Vai trò của quy hoạch đô thị trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Hồ Chí Minh

Nói đến tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam có lẽ người ta nói đến TP. Hồ Chí Minh nhiều nhất, ngay cả khi hiện nay những tác động do BĐKH chưa thực sự rõ nét. Và nói đến siêu đô thị số 1 Việt Nam cũng là nói đến TP. Hồ Chí Minh bởi quy mô đô thị và vai trò, tầm cỡ về phát triển kinh tế của nó. Dường như mối liên hệ giữa những rủi ro và sự tổn thất thường được quan tâm nhiều hơn ở những nơi mà sự can thiệp của con người đã trở nên quá mạnh.


Vấn đề ngập lụt đô thị đã xuất hiện tại TP. Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay nhưng đặc biệt trở nên nghiệm trọng trong hơn 10 năm gần đây. Sau khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 được phê duyệt (năm 1998), thành phố đã lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 752/QĐ-TTg ngày 19/06/2001 nhằm giải quyết ngập do mưa, xử lý nước thải cho khu vực trung tâm bằng việc nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước và xây dựng hệ thống thu gom nước thải. Năm 2008, thành phố cũng đã lập quy hoạch thủy lợi chống ngập úng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 nhằm giải quyết ngập do triều cường và điều tiết lũ thượng nguồn trên cơ sở thực hiện xây dựng tuyến đê bao khép kín từ Bến Súc đến sông Kinh Lộ và bao bọc quanh địa phận tỉnh Long An với 13 cống kiểm soát triều lớn và nạo vét, cải tạo các kênh trục để điều tiết lũ, đồng thời nghiên cứu xây dựng các hồ điều tiết nước.

 2012 9 5 Luu Duc Cuong.JPG

Dự báo phạm vi ngập cực đoan tại TP.HCM đến năm 2050

Nguồn: ICEM (2009)

Thực hiện theo các quy hoạch, đến nay thành phố đã triển khai cơ bản hoàn thành một số dự án lớn về thoát nước và vệ sinh môi trường như dự án Vệ sinh môi trường thành phố - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Cải thiện môi trường nước thành phố - lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, Cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng, Nâng cấp đô thị thành phố - lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm... với tổng mức đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Việc thực hiện các dự án bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Số lượng các điểm ngập đã giảm dần tại khu vực trung tâm. Số điểm ngập do mưa giảm từ 126 điểm (năm 2008) xuống còn 31 điểm (năm 2011), số điểm ngập do triều giảm từ 95 điểm (năm 2008) xuống còn 09 điểm (năm 2011).

 

Tuy nhiên số điểm ngập lại đang có xu hướng tăng lên tại khu vực ngoại vi thành phố. Điều đó cho thấy tốc độ phát triển hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa và chưa quan tâm đến vấn đề BĐKH và nước biển dâng (NBD) trong các quy hoạch. Các hoạt động chống ngập của thành phố mới chỉ tạm thời cải thiện được tình hình ngập lụt khu vực trung tâm. 08 vùng còn lại trong số 12 lưu vực (chia lưu vực theo Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 phê duyệt năm 2010) là những vùng nội thành phát triển và ngoại thành (khu vực phát triển đô thị mới) đều chưa có quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước.

 Trong bối cảnh đó, các tác động của BĐKH và NBD đã được ghi nhận rõ ràng tại TP. Hồ Chí Minh. Số liệu đo đạc cho thấy, tại TP. HCM và Cần Thơ, nhiệt độ đang tăng lên, cụ thể: từ năm 1960 đến 2005 tăng 0,02oC; từ 1991 đến 2005 tăng lên 0,033oC. Tại thành phố Vũng Tàu, từ năm 1960 đến năm 2005 tăng 2oC. Ngoài ra, mực nước cao nhất đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn dâng lên khoảng 20cm so với cách đây 10 năm. Vào cuối tháng 11/2008, tại TP. HCM, triều cường đã đạt mức đỉnh trong vòng 50 năm qua [1].

 Theo đánh giá của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC (2007) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (2008), TP. HCM nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe doạ nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Thành phố cũng xếp thứ 5 về dân số có thể bị ảnh hưởng của BĐKH vào năm 2070. Kịch bản của Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết nếu mực nước biển dâng thêm 75cm thì TP. HCM sẽ có khoảng 204 km2 diện tích đất bị ngập. Nếu mực nước biển dâng khoảng 100cm, diện tích đất bị ngập sẽ tăng lên gấp đôi, tức là khoảng 472 km2.

Theo kết quả nghiên cứu của ICEM (2009), đến năm 2050, khoảng 30-70% hệ thống giao thông của TP có nguy cơ ngập lụt. Gần 70% diện tích đất nông nghiệp còn lại của thành phố có nguy cơ nhiễm mặn 4o/oo. Khoảng 50% nhà máy cấp nước mặt và nước ngầm có nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn 1o/oo. 60% nhà máy xử lý nước thải và 90% bãi chôn lấp rác thải của thành phố có nguy cơ ngập lụt. Hiện TP. HCM có 154 xã, phường thường xuyên ngập úng. Đến năm 2050 sẽ tăng lên 177 xã, phường chiếm 61% diện tích toàn thành phố. Đặc biệt, khi có bão sẽ có thêm 30 xã bị ảnh hưởng, điều đó có nghĩa sẽ có 142.000 ha bị ngập úng khi có bão bất thường vào năm 2050.

TS.KTS. Lưu Đức Cường

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch Môi trường đô thị-nông thôn


05-09-2012

659 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL