Để Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Hà Nội đang hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại - Ảnh minh họa
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội và thách thức
Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định: số 950/QĐ-TTg, ngày 1-8-2018, Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030; số 749/QĐ-TTg ngày, 3-6-2020, Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán chủ trương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, …thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số", "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số…" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá chiến lược.
Hà Nội chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số
Đến nay, việc triển khai chuyển đổi số của Hà Nội bước đầu đạt một số kết quả, Chính quyền số từng bước được triển khai. Việc xây dựng hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác. Kinh tế số, xã hội số của Thủ đô phát triển khá mạnh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.
Việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án số 06 trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước.
Bên cạnh một số kết quả ban đầu, quá trình triển khai chuyển đổi số của Hà Nội còn một số hạn chế như: Dữ liệu số chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, việc phân tích dữ liệu thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa được triển khai; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong một số cơ quan của thành phố còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; chuyển đổi số trong hầu hết các ngành, lĩnh vực còn chậm so với nhu cầu của xã hội và nhiệm vụ của thành phố.
Nguyên nhân của các hạn chế nêu trên chủ yếu là do nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh còn những hạn chế, bất cập và chưa thống nhất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn bị động, chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của thành phố, giữa thành phố với các tỉnh, thành trên cả nước, giữa thành phố với Trung ương còn chưa chặt chẽ, nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ...
Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh bảo đảm phù hợp với thực tiễn
TS. Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội cho rằng, để tận dụng các cơ hội trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khắc phục các tồn tại, hạn chế đồng thời là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, việc xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần tích hợp các nội dung về chuyển đổi số. Chú trọng xây dựng thành phố Hà Nội thông minh bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt.
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, cần chú trọng quan điểm chỉ đạo về việc chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh phải bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp tình hình của Thủ đô, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số trong tương lai.
Chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị của thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh; tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh.
Bảo đảm thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới đến áp dụng các quy định, quy chế, tiêu chuẩn trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu. Ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đối với những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Dựa trên nền tảng dữ liệu số và công nghệ số, phát huy sức mạnh của toàn xã hội, phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng văn hóa, con người và vị thế của Thủ đô.
Bên cạnh đó, hướng đến mục tiêu đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh
Đưa ra những giải pháp trọng tâm, TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng, cần tập trung tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Cụ thể là chuyển đổi nhận thức: Các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các hiệp hội ngành, nghề thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số; xây dựng thành phố thông minh, tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh…
Ban hành và triển khai kế hoạch chuyển đổi số gắn với chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong ngành, lĩnh vực, địa phương.
Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy thuộc phạm vi, thẩm quyền gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với quy hoạch Thủ đô; Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng.
Khuyến khích áp dụng và có lộ trình từng bước áp dụng các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định, hướng dẫn liên quan đến quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thông minh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quản lý phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, thành phố thông minh.
Đồng thời, hướng tới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ về truyền thông và trao đổi thông tin; chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho đô thị thông minh, áp dụng hiệu quả các giải pháp quản lý, mô hình thông tin công trình và các giải pháp công nghệ số trong phát triển đô thị như hệ thống bản đồ không gian số hoá, các giải pháp định vị, định danh.
Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin: Hình thành trung tâm thông tin điều hành thông minh và trung tâm thông tin quy hoạch trên cơ sở tổ chức lại lực lượng CNTT hiện có, phát triển trung tâm dữ liệu chính, hướng tới tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung của thành phố bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo nền tảng chuyển đổi số phục vụ quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và phát triển kinh tế số, xã hội số; triển khai Đề án số 06 của Chính phủ trên toàn thành phố một cách đồng bộ và hiệu quả; thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phát triển nhân lực số: Tăng cường triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý về chuyển đổi số, về an ninh, an toàn thông tin mạng và tính riêng tư trên mạng cho người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước của thành phố; đào tạo, tập huấn kiến thức về kinh tế số, kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho người dân và doanh nghiệp, ưu tiên triển khai đào tạo, tập huấn thông qua các nền tảng dạy và học trực tuyến.
Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số: Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, hợp tác, học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong toàn xã hội phục vụ quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh của Thủ đô.
Đối với công tác phát triển chính quyền số, TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng, cần phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước tại các cấp, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong và ngoài thành phố theo quy định và yêu cầu, trong đó, tập trung ưu tiên duy trì, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng, như đất đai, dân cư, đăng ký doanh nghiệp, công chức - viên chức, tài chính, bảo hiểm, hộ tịch, thông tin quy hoạch, an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, y tế, hệ thống tác nghiệp quản lý đô thị tập trung (IOC); tiến tới cung cấp toàn bộ các thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Áp dụng định danh và xác thực danh tính điện tử qua việc triệt để khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai và doanh nghiệp, tạo nền tảng cốt lõi cho công tác quản trị xã hội. Trước hết, tập trung triển khai Đề án số 06 hiệu quả, vững chắc trong hoạt động khai thác dữ liệu vào quản lý điều hành của chính quyền.
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội nên thử nghiệm triển khai hiệu quả một số dịch vụ đô thị thông minh tại một số quận, huyện của thành phố, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với phát triển chính quyền số. Tăng cường hoạt động chuyển đối số trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố, trong các hoạt động bảo đảm giữ gìn trật tự an toàn xã hội nhằm mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số.
Nguồn: Chinhphu.vn
15-04-2024