Hội thảo "Việt Nam - Đô thị hóa hướng tới phát triển bền vững"

Ngày 8/11/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh Diễn đàn Đô thị Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội các đô thị Việt Nam và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo "Việt Nam - Đô thị hóa hướng tới phát triển bền vững". Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh - Trưởng ban điều phối Diễn đàn đô thị Việt Nam đến dự, chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo.


Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Trần Xuân Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku; đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh Thái Nguyên, Trà Vinh, Bến Tre, Long An; đại diện Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Kiên Giang, Bình Phước, Đồng Tháp; các tổ chức quốc tế: Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sĩ, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Liên đoàn đô thị Canada, Liên minh các thành phố, Quỹ Châu Á, Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội Hàn Quốc, Viện nghiên cứu Mitshubishi; đại diện các Hội, Hiệp hội chuyên ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp khu vực tư nhân hoạt động trong lĩnh vực phát triển đô thị…
 

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính phát biểu chào mừng Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Kể từ năm 2002 đến nay, đô thị hóa hướng tới phát triển bền vững luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm, lồng ghép trong các chính sách và định hướng phát triển như Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050; Các chương trình, đề án, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao sự phối hợp của các bên như Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Diễn đàn đô thị Việt Nam và cám ơn sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đã tham dự Hội thảo quan trọng này, nhân dịp chào mừng ngày Đô thị Việt Nam (8-11), đồng thời cho rằng, Hội thảo là cơ hội để chia sẻ thông tin về chính sách quản lý phát triển đô thị của Việt Nam hiện nay, trao đổi kinh nghiệm và các mô hình phát triển đô thị bền vững của các nước phát triển.
 

Phó Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam Trần Xuân Quang phát biểu chào mừng Hội thảo

Trình bày tham luận về khung thể chế, chính sách phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam, ông Nguyễn Tường Văn - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết năm 2016, Việt Nam có tổng cộng 802 đô thị. Quá trình đô thị hóa của Việt Nam trong thời gian qua đã diễn ra với tốc độ nhanh, và đạt được những thành tựu quan trọng, đó là đô thị hóa gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hệ thống đô thị phát triển nhanh chóng về số lượng, quy mô và chất lượng; không gian kiến trúc cảnh quan tại các đô thị được đầu tư khang trang, hiện đại; tốc độ tăng trưởng kinh tế của các đô thị luôn đạt khoảng 12-15%, gấp 1,5 đến 2 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước; nhiều khu đô thị mới hình thành với môi trường sống và làm việc hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; điều kiện về nhà ở của người dân đô thị được cải thiện…Mặc dù có những thành tựu đáng kể đó, nhưng sự phát triển các đô thị của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế, đó là sự hình thành và phát triển đô thị còn thiếu sự kiểm soát, năng lực cạnh tranh đô thị chưa cao, chất lượng đô thị còn yếu kém; phát triển hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường còn phổ biến, hạ tầng xã hội đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu; triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải, chưa theo quy hoạch và kế hoạch; khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của đô thị chưa cao; nguồn lực phát triển đô thị còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả; quản lý phát triển đô thị còn nhiều bất cập…
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Nhằm mục đích phát triển đô thị lành mạnh và bền vững, hệ thống thể chế pháp luật về phát triển đô thị từng bước được hoàn thiện, tạo công cụ pháp lý cho hoạt động quản lý phát triển đô thị và thu hút đầu tư. Sắp tới, để quản lý hiệu quả hơn quá trình phát triển đô thị theo hướng bền vững, Bộ Xây dựng đã triển khai xây dựng Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị với 06 nhóm chính sách: phát triển đô thị theo định hướng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ; quản lý đầu tư phát triển đô thị; phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển đô thị.

Trong lĩnh vực tái phát triển đô thị cải tạo đô thị, TS. Choi Jong Kwon, Trung tâm hợp tác phát triển quốc tế Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc thông qua các cơ chế chính sách được ban hành, xây dựng cơ chế trách nhiệm của các bên liên quan.
 

Toàn cảnh Hội thảo

Ngoài ra, các tham luận về xây dựng và phát triển đô thị xanh; Xây dựng năng lực chống chịu cho đô thị; cải tạo, chỉnh trang đô thị; đề án phát triển đô thị thông minh Bình Dương; Chương trình hành động của Thành ủy Hồ Chí Minh về phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020…của các học giả trong và ngoài nước đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo, đáp ứng yêu cầu đề ra của Hội thảo về chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về quản lý phát triển đô thị theo hướng bền vững./.


Minh Tuấn 

Nguồn http://www.xaydung.gov.vn


10-11-2017

294 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL