Diễn đàn Đô thị Việt Nam - Chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển

Năm 2013, Diễn đàn đô thị Việt Nam kỷ niệm một chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển 2003 - 2013. Trong 10 năm qua, với sự tham gia, đóng góp của các thế hệ cán bộ, nhân viên của các tổ chức và cá nhân thành viên, Diễn đàn đô thị Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế., cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ đã được các thành viên thống nhất triển khai thực hiện

Nhìn lại chặng đường đã đi qua có ý nghĩa rất quan trọng, tạo dựng nền tảng vững chắc để Diễn đàn đô thị Việt Nam tiếp tục vững bước phát triển, đóng góp có hiệu quả cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.


1. Xu thế đô thị hóa và sự thành lập Diễn đàn đô thị Việt Nam

Sau quá trình thực hiện Chiến lược kinh tế xã hội 1991 - 2000, tình hình kinh tế xã hội của đất nước ta đã có những chuyển biến tích cực, ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội giai đoạn những năm 90, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch, khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ liên tục tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam đã không ngừng phát triển, mở rộng về quy mô, cải thiện điều kiện và chất lượng điều kiện sống và làm việc. Nếu như năm 1990 cả nước mới có khoảng 500 đô thị thì đến năm 2000 con số này đã nâng lên là 649 đô thị. Dân số đô thị đã tăng lên nhanh chóng từ 13,4 triệu người (chiếm 20,3% dân số cả nước) năm 1990 lên đến 19,2 triệu người năm 2000 (chiếm 24,5% dân số cả nước). Đến nay chiếm 32,45%. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh và khá đa dạng về tính chất ở mỗi vùng miền.

Nhận thức đầy đủ những tiềm năng, cơ hội của quá trình đô thị hóa cũng như những yêu cầu và thách thức đặt ra của tình hình phát triển, tại Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ vào tháng 12 năm 2000, vấn đề quản lý phát triển đô thị được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Việt Nam bước sang thế kỷ 21. Các Nhà tài trợ đa phương và song phương đã đưa ra khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần xem xét việc thành lập một diễn đàn, được gọi là “Diễn đàn đô thị Việt Nam”  gọi tắt theo tên tiếng Anh là VUF, nhằm phối hợp hành động các bên liên quan và quan tâm lĩnh vực đô thị bao gồm các cơ quan của Chính phủ và cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế. Đề xuất này đã được Chính phủ Việt Nam ủng hộ và giao Bộ Xây dựng phối hợp với các nhà tài trợ quốc tế tổ chức thành lập Diễn đàn đô thị Việt Nam tại văn bản số 1635/VPCP-QHQT ngày 18/04/2001. Từ tháng 5/2001, một số quan hệ đối tác đã bắt đầu hình thành trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị. Năm 2002, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị tiếp tục khẳng định sự cần thiết và vai trò hoạt động của Diễn đàn đô thị Việt Nam có sự tham gia của công đồng tài trợ. Trên cơ sở sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 514/VPCP-QHQT ngày 29/01/2003, các đối tác đã thống nhất cần có sự cam kết mạnh mẽ hơn để Diễn đàn có thể hoạt động hiệu quả.

Ngày 22/10/2003, Biên bản ghi nhớ về Diễn đàn đô thị Việt Nam (VUF) đã được các đối tác ký kết thống nhất, nhấn mạnh sự cam kết đối với việc thực hiện các hoạt động tương lai của Diễn đàn. Mục tiêu của Diễn đàn đã được xác định:

“Thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, các nhà tài trợ nhằm đống góp tích cực vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách về quản lý và phát triển đô thị, thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo – CPRGS và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam”.

Biên bản ghi nhớ cũng đã xác định cụ thể các nguyên tắc hoạt động, phạm vi công việc, nguyên tắc tổ chức, khuôn khổ tài chính của Diễn đàn. Với Biên bản ghi nhớ 2003, Diễn đàn đô thị Việt Nam đã chính thức được hình thành đi vào hoạt động và liên tục phát triển.


2. Quá trình phát triển của Diễn đàn đô thị Việt Nam

2.1. Thời kỳ từ 2003 đến 2008

Ngày 25/11/2003, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ra quyết định số 1602/QĐ-BXD về việc thành lập Ban Điều phối Diễn đàn Đô thị Việt Nam để trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nội dung đã cam kết tại Biên bản ghi nhớ 2003. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn được cử là Trưởng  Ban Điều phối. Ông Trần Ngọc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiến trúc, quy hoạch xây dựng Bộ Xây dựng là Phó trưởng ban. Đại diện của các tổ chức quốc tế, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, đại diện Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội, một số đơn vị của Bộ Xây dựng gồm Vụ Hạ tầng Kỹ thuật, Cục Quản lý nhà, Vụ Hợp tác quốc tế tham gia là ủy viên Ban điều phối. Các tổ chức thành viên tham gia Diễn đàn bao gồm các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, Ngân hàng Thế giới WB, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy sĩ SDC, Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam EC, Đại sứ quán Pháp, Đại diện các tổ chức phi chính phủ (Tổ chức cứu trợ nhi đồng Anh). Cơ quan hợp tác phát triển Bỉ, Hiệp hội các đô thị Việt Nam và Thành phố Hà Nội.

Ngày 07/01/2004, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ thư ký Diễn đàn Đô thị Việt Nam tại Quyết định số 43/QĐ-BXD và giao ông Trần Ngọc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiến trúc, quy hoạch xây dựng làm Tổ trưởng tổ thư ký. Văn phòng Diễn đàn Đô thị Việt Nam được đặt tại trụ sở Bộ Xây dựng, 37 Lê Đại Hành, Hà Nội với một điều phối viên chuyên trách do Cơ quan hợp tác phát triển Thụy sĩ (SDC) tài trợ làm việc đến 2005. Đến tháng 6 năm 2005, để phù hợp với yêu cầu cụ thể, ông Nguyễn Sinh Hy – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Xây dựng đã được bổ sung là Phó trưởng ban điều phối, đồng thời đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng tổ thư ký (Quyết định số 1428/QĐ-BXD ngày 11/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng). Ông Vương Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng Bộ Xây dựng là Tổ phó. Tháng 9 năm 2005, ông Phạm Khánh Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Xây dựng được cử là Điều phối viên của Diễn đàn thay thế cán bộ do SDC tài trợ cho Diễn đàn.

Trong giai đoạn 2003 -2005, các hoạt động của Diễn đàn ưu tiên tập trung định hướng theo 4 mục tiêu: (i) Đối thoại chính sách; (ii) Chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn; (iii) Kiến nghị khuôn khổ chính sách; (iv) Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin. Để đạt được những mục tiêu này, Diễn đàn đã nỗ lực tổ chức khoảng trên 20 các hoạt động khác nhau tập trung vào 4 chủ đề chính mà Diễn đàn ưu tiên, gồm: (i) Quy hoạch và phát triển đô thị; (ii) Phát triển hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị; (iii) Phát triển đất đai và nhà ở đô thị; (iv) Cải cách hành chính đô thị.

Các hoạt động nghiên cứu được chú trọng bởi sẽ cung cấp những thông tin, dữ liệu nền tảng cho phát triển đô thị ở Việt Nam cũng như cho sự phát triển của VUF. Có ba nghiên cứu quan trọng trong giai đoạn này đã được thực hiện, bao gồm: 1) “Nghiên cứu về di cư, đô thị hoá và chuyển hoá tại các vùng nông thôn của Việt Nam” do ông Jean-Marie Cour thực hiện tháng 11 năm 2003; 2) Nghiên cứu về “Chính sách đô thị hoá”, do ông Jipgar Joshi thực hiện cũng trong năm 2003; 3) Nghiên cứu về “Hỗ trợ kỹ thuật cho quy hoạch vùng tại Việt Nam”, do ông Lawrie Wilson thực hiện năm 2005.

2003-2007.jpg

Ông Nguyễn Hồng Quân, UVBCHTWĐ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tặngkỷ niệm chương ngành xây dựng cho các thành viên Diễn đàn tích cực năm 2007

Song song với các hoạt động nghiên cứu, một số hội thảo quan trọng cũng đã được các thành viên Diễn đàn phối hợp tổ chức. Các chủ đề hội thảo tập trung vào các nhóm vấn đề gồm các Hội thảo chính sách: Hội thảo “Tài chính đô thị cấp tiểu vùng và Trái phiếu hạ tầng của TP Hồ Chí Minh”, Hội thảo “Nhà ở dành cho hộ gia đình thu nhập thấp tại TP Hồ Chí Minh”, Hội thảo “Tài chính đô thị cấp tiểu vùng và Trái phiếu hạ tầng của TP Hồ Chí Minh”; Các hội thảo về quy hoạch và phát triển đô thị: Hội thảo “Di cư, đô thị hoá và chuyển hoá tại các vùng nông thôn của Việt Nam”, Hội nghị quốc tế về “Chiến lược Phát triển Đô thị”, Hội thảo “Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội”; Hội thảo trao đổi kinh nghiệm và các công nghệ liên quan đến đô thị: Hội thảo “Công nghệ xử lý nước thải”; Hội thảo “Thực tiễn quản lý và quy hoạch đô thị trong kinh tế thị trường”.

Điểm nhấn của giai đoạn này là Hội thảo quốc tế về Chiến lược Phát triển Thành phố (CDS) do Liên minh các Thành phố (CA) tài trợ, được tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2004, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và trên 100 đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế. Sau đó, một loạt các CDS đã được các nhà tài trợ khởi động cho Nam Định, Đồng Hới (do SDC tài trợ), cho Hạ Long, Cần Thơ (do WB tài trợ).

2004.jpg

Tháng 01 năm 2006, Ban điều phối Diễn đàn có sự thay đổi điều chỉnh. Ông Trần Ngọc Chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng   được giao nhiệm vụ là Trưởng Ban điều phối. Thành viên của Diễn đàn đã bổ sung thêm một số tổ chức như UN Habitat, Cơ quan phát triển Pháp, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA, Đại sứ quán các nước: Bỉ, Đức, Đan Mạch, Hàn Quốc, Công ty tư vấn SGS, Viện quy hoạch quốc gia về đô thị và nông thôn, thành phố Đà Nẵng … Nhiều cá nhân thuộc các tổ chức quốc tế đã có sự tham gia đóng góp tích cực cho hoạt động của Diễn đàn như ông Alan Coulthart (WB), ông Markus Eggenberger (SDC).

Diễn đàn Đô thị Việt Nam đã hình thành 02 nhóm công tác tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng chính sách:

Nhóm 1: Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam tới năm 2020. Với sự hỗ trợ chuyên gia từ WB, UN-HABITAT và SDC, nhóm công tác đã hoàn thành được đề cương chi tiết của định hướng. Sau đó, SDC đã cử 03 đợt chuyên gia từ Thuỵ Sĩ sang Việt Nam làm việc, mỗi đợt 1-2 tuần, WB cử chuyên gia sang làm việc 2 đợt và UN-Habitat cử chuyên gia làm việc 01 đợt cùng với các chuyên gia Việt Nam phát triển các kịch bản phát triển đô thị.

Nhóm 2: Soạn thảo nghị định nước thải và công trình ngầm đô thị. Nhóm đã nhận được sự hỗ trợ của WB, Đức, JBIG về chuyên gia và đã tổ chức Hội thảo tham vấn thành công vào tháng 10/2006.

Chương trình Tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên cũng đã được tổ chức trong giai đoạn này, trong đó có hai hoạt động nổi bật là i) Đào tạo trực tiếp và thông qua hội nghị điện tử về các vấn đề bức xúc của công tác quản lý và phát triển đô thị, từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2005; và ii) Tham quan học tập về quản lý đô thị tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc).

Tại Quyết định số 459/QĐ-BXD ngày 02/4/2008 với việc hình thành một cơ quan có chức năng nhiệm vụ tập trung vấn đề quản lý và phát triển đô thị của Bộ, các ý kiến góp ý, tham gia về mặt chuyên môn đã được định hướng, từng bước gắn liền với thực tiễn phát triển đô thị. Vào tháng 11/2008, thành viên VUF cũng đã tham dự Hội nghị lần thứ 4 của Diễn đàn đô thị Thế giới tổ chức tại Nam Kinh, Trung Quốc.

Do số lượng thành viên còn ít và chưa có chính sách thu phí thành viên tham gia nên các hoạt động chuyên môn của Diễn đàn trong giai đoạn này đều nhận được sự hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ song phương và đa phương như WB, SDC, Đại sứ quán Pháp, UN Habitat, CA, JICA, IMV, Công ty SGS. Mặc dù chỉ mới trong giai đoạn đầu thành lập, Diễn đàn đã có rất nhiều công việc quan trọng được thực hiện đặt nền móng bền vững cho sự phát triển lâu dài của Diễn đàn như các nghiên cứu cơ sở ban đầu, công tác sắp xếp tổ chức, thể chế của Diễn đàn. Trong giai đoạn này, do phải tập trung nhiều vào các công tác tổ chức và triển khai một số hoạt động đầu tiên nên Diễn đàn chưa phát triển được nhiều thành viên, đặc biệt là các thành viên thuộc các thành phần khác nhau trong nước. Diễn đàn cũng chưa chủ động được nguồn tài chính cho các hoạt động của mình, các hoạt động chuyên môn đều do các thành viên của Diễn đàn tài trợ.


2.2. Thời kỳ từ 2009 đến 2011

Đến năm 2010, Diễn đàn có tổng số 25 thành viên tham gia. Đã có sự thay đổi về nhân sự chủ chốt của Diễn đàn. Điều phối viên khu vực đô thị của WB đã hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam và một số cán bộ mới thay thế. Ngày 02/4/2008, Cục phát triển đô thị đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng thành lập mới. Ngày 20/7/2010, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 741/QĐ-BXD kiện toàn Ban điều phối Diễn đàn đô thị Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng là Trưởng ban điều phối. Ông Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng là Phó trưởng Ban thường trực và ông Phạm Khánh Toàn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế là Phó trưởng Ban.

Một nghiên cứu quan trọng về Diễn đàn đô thị Việt Nam đã được UN Habitat tổ chức thực hiện năm 2010 với tên gọi “ VUF – Những đánh giá và kế hoạch hoạt động”. Vào những năm cuối của giai đoạn 2006-2010, Ban lãnh đạo VUF và các thành viên cũng nhận ra rằng phạm vi ảnh hưởng của VUF còn hạn chế, do số lượng thành viên chỉ giới hạn trong 25 đơn vị, trong đó có nhiều đơn vị vì nhiều lý do đã không tham gia đầy đủ các hoạt động thường xuyên của Diễn đàn. Do vậy, cần thiết phải mở rộng sự tham gia của các thành viên khác, bao gồm các hiệp hội chuyên ngành, các chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân. Các kết quả nghiên cứu này đã đánh giá những vấn đề đã đạt được cũng như những tồn tại bất cập và đề ra các kế hoạch hoạt động.

Diễn đàn vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động theo định hướng của 4 mục tiêu đã đề ra: (i) Đối thoại chính sách; (ii) Chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn; (iii) Kiến nghị khuôn khổ chính sách; (iv) Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin.

Ban điều phối Diễn đàn cũng xác định Diễn đàn sẽ hoạt động trên cơ sở cam kết của các thành viên mong muốn đóng góp công sức, hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển đô thị tại Việt Nam. Các thành viên tham gia được hưởng lợi từ các hoạt động của Diễn đàn, từ đó xác định vai trò và sự đóng góp của tổ chức mình cho Diễn đàn. Do đó, hoạt động của Diễn đàn phải mang tính linh hoạt và không áp đặt trong lịch trình hoạt động để có thể kịp thời đáp ứng được các vấn đề thời sự trong quản lý và phát triển đô thị Việt Nam và nhu cầu đa dạng của các thành viên. Các thành viên cũng nhất trí rằng Bộ Xây dựng là cơ quan điều phối của Diễn đàn Đô thị Việt Nam, cung cấp cơ sở vật chất ban đầu bao gồm phòng làm việc cho văn phòng Diễn đàn tại cơ quan Bộ và các cán bộ kiêm nhiệm tham gia điều phối Diễn đàn. Các thành viên cũng đã nhận thấy rằng việc hình thành một bộ máy quản lý các hoạt động thường xuyên của Diễn đàn để giúp kết nối, xây dựng, điều phối các hoạt động là một vấn đề cấp bách, do bởi đến thời điểm này, các cán bộ của Diễn đàn đều làm việc kiêm nhiệm.

Để thực hiện được điều này, VUF đã nghiên cứu để thực hiện một số hoạt động quan trọng về tổ chức, thể chế cần tiến hành bao gồm: Nghiên cứu và đưa ra qui trình thủ tục tham gia đơn giản hơn; Từng bước xây dựng một cơ sở dữ liệu bao gồm các thông tin cơ bản về đô thị Việt Nam, về các hoạt động của các thành viên Diễn đàn, ở dạng kỹ thuật số, đặt trên địa chỉ mạng internet độc lập của VUF; Phát hành ấn phẩm thường kỳ của VUF thông tin về các quy định mới của Việt Nam trong lĩnh vực, các thông tin quan trọng về các thành viên của Diễn đàn có liên quan tới lĩnh vực; Củng cố hoạt động của Ban thư ký, là bộ phận quan trọng nhất trong hoạt động thường xuyên của VUF để có thể nắm bắt và thu hút sự tham gia của các bộ, ngành, tổ chức của Việt Nam cũng như cộng đồng các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế.

Hoạt động chuyên môn giai đoạn này tập trung nhiều hơn vào các hoạt động hỗ trợ xây dựng chính sách, giúp ngành xây dựng soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực quan trọng nhằm thu hút  sự quan tâm của các nhà tài trợ trong các lĩnh vực: cấp nước, thoát nước, vệ sinh, phát triển đô thị. Đã có hàng loạt các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ xây dựng chính sách được tổ chức trong giai đoạn này, tiêu biểu nhất là những hội thảo quan trọng sau: Cải cách tài chính đô thị thông qua cải cách ngành nước; Đào tạo về công tác quản lý và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; Đối thoại chính sách quản lý và phát triển đô thị; Tổng kết kinh nghiệm và bài học từ việc triển khai CDS và nâng cấp đô thị tại các thành phố Việt Nam; Điều chỉnh chiến lược phát triển đô thị Việt Nam; Quy hoạch và phát triển tại các vùng ven đô thị; Định hướng phát triển đô thị Việt Nam tới năm 2020; Tham gia biên soạn Luật Quy hoạch Đô thị; Tham gia xây dựng Chiến lược Phát triển Đô thị và Chính sách Nhà ở Đô thị.

Hai hội thảo về định hướng chiến lược của Diễn đàn đã được tổ chức theo đề nghị của WB và UN-Habitat tương ứng về chính sách phát triển đô thị và phát triển nhà ở của hai tổ chức này trong tương lai.

Trong giai đoạn này, nhận thức rõ những nguy cơ của tác động biến đối khí hậu cũng như vai trò của cộng đồng trong quản lý và phát triển đô thị, các thành viên đã thống nhất trong giai đoạn tiếp theo cần phải hướng tới các vấn đề quan trọng như cần phải đánh giá lại tình trạng đô thị hóa tại Việt Nam, tổ chức các chương trình nghiên cứu và nhà ở; Trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề về biến đổi khí hậu, các tác động, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quản lý và phát triển đô thị; Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và phát triển đô thị; Phát triển đô thị tại các thành phố trong hành lang kinh tế Vùng Mêkông; Hợp tác công tư - PPP trong phát triển đô thị.

Mặc dù số lượng thành viên không thay đổi, về cơ bản các hoạt động được tổ chức theo một kế hoạch tổng thể, từng bước rõ nét hơn trong cơ cấu tổ chức của Diễn đàn. Nhận thức rõ những vấn đề còn tồn tại, Diễn đàn đã xây dựng báo cáo “Xây dựng kế hoạch công tác ngắn hạn và dài hạn cho VUF với các chiến lược và khả năng tài chính”. Kết quả của hoạt động này là một bản kế hoạch hành động ngắn hạn với việc hình thành một dự án trong đó có hợp phần “Nâng cao năng lực cho Diễn đàn đô thị Việt Nam” do Liên minh các thành phố (CA) tài trợ ủy thác qua Ngân hàng thế giới, được ký kết vào tháng 12/2011, thực hiện trong hai năm đến hết năm 2013.


2.3. Thời kỳ 2011 - 2013

Ngày 20/5/2011, Ban điều phối Diễn đàn đô thị tiếp tục được kiện toàn tại Quyết định số 482/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Bà Phan Thị Mỹ Linh, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị được giao là Phó ban thường trực. Bà Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị được giao nhiệm vụ là ủy viên kiêm Tổng thư ký Diễn đàn. Tháng 02/2013, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban điều phối Diễn đàn đô thị Việt Nam tại Quyết định số 180/QĐ-BXD, xác định các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban điều phối, Ban thư ký và tiếp tục khẳng định sự cam kết của Bộ Xây dựng đối với Diễn đàn đô thị Việt Nam.

Cũng tại quyết định này, Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng được giao chịu trách nhiệm là cơ quan thường trực. Sự củng cố mạnh mẽ về quy chế tổ chức của Ban điều phối có ý nghĩa quan trọng để định hướng sự vận hành của Diễn đàn. Văn phòng Diễn đàn đô thị Việt Nam đã bước đầu ổn định bộ máy hoạt động với sự tham gia của các cán bộ là điều phối viên, cán bộ truyền thông,...

2011 Than thien MT2.jpg

Hội nghị Đô thị Việt Nam: Thân thiện môi trường - phát triển bền vững năm 2011.


2012 action2.jpg

Hội nghị Tương lai đô thị Việt Nam - Hành động hôm nay năm 2012.


Sau khi Cục Phát triển đô thị tham gia điều phối các hoạt động của Diễn đàn, các hoạt động đã được tổ chức với nhiều chủ đề phong phú, gắn liền hơn với tình hình thực tiễn phát triển đô thị, thu hút đông đảo các đối tượng thành viên mới tham gia Diễn đàn. đô thị Việt Nam. Đặc biệt, đã có sự gia tăng nhanh chóng thành viên là các đô thị thuộc nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước. Đến hết tháng 10/2013, Diễn đàn đã có 97 thành viên tham gia thuộc 7 nhóm gồm: Nhóm tổ chức Quốc tế tài trợ đa phương (7 tổ chức); Nhóm tổ chức Quốc tế tài trợ song phương (9 tổ chức); Nhóm tổ chức phi chính phủ quốc tế & VN (12 tổ chức); Nhóm các cơ quan Chính phủ, Bộ Ngành, Hiệp hội, tổ chức (18 tổ chức); Nhóm các đô thị (thành phố, thị xã, đại diện UBND các đô thị) (27 đô thị); Nhóm khối tư nhân (24 doanh nghiệp trong và ngoài nước).

Tháng 9/ 2012, Đoàn đại biểu VUF đã tham dự Hội nghị lần thứ 6 Diễn đàn đô thị Thế giới tổ chức tại Napoli, Italia.

Italia.jpg

Nhiều hoạt động chia sẻ kiến thức kinh nghiệm đã được tổ chức liên quan đến chủ để tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu. Nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia hàng trăm lượt đại biểu  như: Hội nghị Đô thị Việt Nam thân thiện môi trường, phát triển bền vững nhân ngày Đô thị Việt Nam 8/11/2011; Hội nghị Cộng đồng hành động ứng phó Biến đổi khí hậu tại đô thị Việt Nam; Tương lai đô thị Việt Nam – Hành động hôm nay 2012; Hội nghị Phát triển đô thị hợp nhất: Hướng tới các đô thị xanh và thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam 2013 v.v.

Nhằm tiếp tục không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, Diễn đàn đã tổ chức thực hiện nghiên cứu xây dựng Kế hoạch Chiến lược Diễn đàn đô thị Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020. Hội thảo tham vấn về Kế hoạch Chiến lược VUF đã được tổ chức tháng 9/2013 với sự tham gia của hơn 90 đại biểu thuộc các tổ chức thành viên.

Tóm lại, nhìn lại chặng đường 10 năm nỗ lực phấn đấu, dưới sự chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ, cũng như sự nỗ lực của các tập thể, cá nhân và các thành viên, Diễn đàn đô thị Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng và tự hào. Với việc hợp tác và phối kết hợp với các Nhà tài trợ đa phương và song phương, các Tổ chức quốc tế, các tổ chức thành viên, Diễn đàn đô thị Việt Nam là một cầu nối không thể thiếu được giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, các nhà đầu tư quốc tế, các cơ quan chuyên ngành, các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức Phi chính phủ cũng như các doanh nghiệp tư nhân trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, đối thoại các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển đô thị, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong sự nghiệp quản lý và phát triển đô thị tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, Diễn đàn sẽ tiếp tục củng cố tổ chức, thể chế của Diễn đàn, hình thành các nhóm thành viên chủ chốt theo từng chuyên đề, mở rộng sự tham gia của các thành viên và phát triển nguồn tài chính bền vững, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới.

Kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển, Diễn đàn đô thị Việt Nam xin được trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã liên tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho Diễn đàn hoạt động, lãnh đạo các đô thị, các cơ quan, tổ chức quốc tế và trong nước, các chuyên gia, nhà khoa học và các cá nhân đã nhiệt tình tham gia đóng góp tích cực và hiệu quả trong hoạt động của Diễn đàn qua các thời kỳ và mong muốn sẽ tiếp tục được đón nhận sự quan tâm và ủng hộ./.


CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC DIỄN ĐÀN ĐÔ THỊ VIỆT NAM

Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng


09-11-2013

3464 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL