QUYẾT ĐỊNH
Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Phòng Quản lý phát triển đô thị
CỤC TRƯỞNG CỤC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
Căn cứ Nghị định số 33/2025/NĐ-CP ngày 25/02/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 21/QĐ-BXD ngày 01/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Phát triển đô thị;
Căn cứ Nghị quyết số 35-NQ/ĐU ngày 20/3/2025 trích nội dung cuộc họp Đảng uỷ Cục Phát triển đô thị ngày 19/3/2025;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Cục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng
Phòng Quản lý phát triển đô thị có chức năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cơ chế chính sách, quy phạm pháp luật về quản lý quá trình đô thị hóa, đánh giá phân loại đô thị, các mô hình quản lý phát triển đô thị, xây dựng chương trình phát triển đô thị trên phạm vi cả nước; quản lý, tổng hợp tình hình thực thi pháp luật về phát triển đô thị theo địa bàn được phân công.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách:
a) Chủ trì xây dựng để trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý quá trình đô thị hóa; các mô hình phát triển đô thị bền vững, đô thị tăng trưởng xanh;
b) Chủ trì xây dựng để trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, quy phạm pháp luật về phân loại đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị;
2. Nghiên cứu, đề xuất để trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án hoặc dự án quan trọng quốc gia về phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng xanh và tổ chức thực hiện theo sự phân công của Cục trưởng.
3. Chủ trì xây dựng để trình cấp có thẩm quyền các chỉ tiêu về lĩnh vực phát triển đô thị trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước theo từng giai đoạn; đầu mối tổng hợp số liệu phát triển đô thị toàn quốc định kỳ hàng quý, hàng năm và theo giai đoạn, báo cáo cấp có thẩm quyền.
4. Đầu mối tổ chức thực hiện kiểm tra công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị.
5. Quản lý, tổng hợp thực hiện quy phạm pháp luật về phát triển đô thị tại các địa phương thuộc Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long:
a) Tổ chức thẩm định để cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức thẩm định các đề án công nhận loại đô thị và thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính đô thị theo địa bàn được giao phụ trách trình lãnh đạo Cục trước khi trình lãnh đạo Bộ;
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách, các quy định pháp luật về phát triển đô thị, hoạt động đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, lập và thực hiện các chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại đô thị hàng năm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được cấp có thẩm quyền quy định;
d) Tổ chức điều phối, quản lý các chương trình liên quan đến phát triển đô thị do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản hoặc chủ đầu tư;
e) Theo dõi, lưu trữ số liệu, tài liệu, tổng hợp, đánh giá và báo cáo tình hình phát triển đô thị theo địa bàn từng tỉnh/thành phố và vùng.
6. Công tác nghiên cứu khoa học, dự án sự nghiệp kinh tế, điều tra khảo sát, hợp tác quốc tế theo các nhiệm vụ được phân công tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này:
a) Chủ trì tổ chức thực hiện hoặc tham gia các dự án sự nghiệp kinh tế, đề tài nghiên cứu khoa học; hợp tác với các cá nhân, tổ chức trong nước, quốc tế;
b) Tổ chức điều hành, tham gia các diễn đàn, các hội nghị, hội thảo khoa học theo sự phân công của Lãnh đạo Cục.
7. Tổ chức thực hiện quy chế làm việc và các quy chế khác của Cục, Bộ Xây dựng.
8. Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của Cục trưởng.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Phòng Quản lý phát triển đô thị có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các công chức, viên chức biệt phái hỗ trợ có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của phòng. Số lượng Phó Trưởng phòng theo quy định của pháp luật.
2. Trên cơ sở nhiệm vụ của phòng, Trưởng phòng có trách nhiệm cụ thể hóa kế hoạch công tác cho từng tháng, quý, năm; giao nhiệm vụ, xác định trách nhiệm và sản phẩm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức biệt phái trong phòng; tổ chức thực hiện các quy chế làm việc và các quy định khác có liên quan.
Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Quyết định này thay thế Quyết định số 07/QĐ-PTĐT ngày 25/02/2014 v/v Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Cục và Quyết định số 54/QĐ-PTĐT ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng trực thuộc Cục PTĐT.
2. Các đồng chí Phó Cục trưởng, Chánh Văn phòng Cục, Trưởng phòng Quản lý phát triển đô thị và Trưởng các đơn vị trực thuộc Cục Phát triển đô thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Theo Quyết định số 11 /QĐ-PTĐT ngày 02/4/2025 của Cục trưởng Cục Phát triển đô thị.