Mô hình thành phố trực thuộc Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh

(Chinhphu.vn) - Góp ý cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu đề nghị TP. Hà Nội cần phản ánh được nét riêng đặc thù về thành lập thành phố thuộc Hà Nội là thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm) và cần có quy định rõ việc tạo cơ chế đầu tư, cải tạo chung cư cũ…

 
Mô hình thành phố trực thuộc Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay - Ảnh: VGP/GH

Mô hình thành phố trực thuộc Hà Nội là hiện thực hóa khâu đột phá về thể chế

Tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tổ chức ngày 1/8, TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, hoàn thiện thể chế trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng để phát triển Thủ đô Hà Nội là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Đồng thời với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu hình thành các đô thị vệ tinh cũng mang tính tất yếu khách quan để phát triển Thủ đô trong tương lai. Về phương diện lý thuyết, đô thị vệ tinh có chức năng hỗ trợ cho đô thị lõi (trung tâm) và vì vậy, trên phương diện quy hoạch, kiến trúc đô thị vệ tinh vừa có tính kết nối vừa có tính độc lập trong sự tương tác với đô thị trung tâm.

Trong tương lai, theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội sẽ hình thành 2 thành phố trực thuộc, đó là thành phố ở khu vực phía Bắc (Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn) với đặc trưng phát triển là thành phố có chức năng dịch vụ và hội nhập quốc tế; thành phố ở khu vực phía Tây (Xuân Mai – Hòa Lạc) với đặc trưng là thành phố có chức năng khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.

TS. Chu Mạnh Hùng nêu, Nghị quyết số 15-NQ/TW và Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với mô hình thành phố thuộc thành phố Hà Nội đã hiện thực hóa một bước về thể chế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để đột phá về thể chế (một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước).

Theo đó, tổ chức chính quyền thành phố thuộc Hà Nội phải được tổ chức theo mô hình phân quyền nhằm đảm bảo cho quản trị đô thị mới có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt.

Việc thành lập thành phố thuộc thành phố Hà Nội là thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh (bên cạnh các đô thị trung tâm) và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học – công nghệ nhưng với các quy định như Dự thảo chưa phản ánh được nét riêng đặt thù này. TS. Chu Mạnh Hùng nêu, tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội trong đó có các đô thị vệ tinh nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển.

Việc hình thành thành phố thuộc thành phố đồng thời với việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng TOD (Transit Oriented Development). Đây là sự thể chế hóa Nghị quyết 15-NQ/TW "… mô hình phát triển đô thị theo định hướng Thành phố phía Bắc (Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn) tập trung phát triển dịch vụ và hội nhập quốc tế; Thành phố phía Tây (Xuân Mai – Hòa Lạc) tập trung phát triển khoa học – công nghệ; giáo dục và đào tạo.

Theo TS. Chu Mạnh Hùng, đây là những vấn đề vĩ mô cần được thể chế thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như những nội dung pháp lý về đô thị vệ tinh và thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Mô hình thành phố trực thuộc Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh - Ảnh 2.

TS. Chu Mạnh Hùng nêu, Nghị quyết số 15-NQ/TW và Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với mô hình thành phố thuộc thành phố Hà Nội đã hiện thực hóa một bước về thể chế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng - Ảnh: VGP/GH

Cần quy định rõ việc tạo cơ chế đầu tư, cải tạo chung cư cũ

Góp ý cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS. Phạm Trọng Thuật, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nêu, các nội dung quy định chưa đề cập đến vấn đề cải tạo, nâng cấp các khu ở hiện hữu, khu tập thể cũ (vốn là đặc trưng của Thủ đô Hà Nội trong quá trình phát triển từ năm 1954 đến 1985). Vì vậy, cần có quy định rõ ràng về việc tạo cơ chế cho việc đầu tư cải tạo các khu vực này mà không làm tăng mật độ dân số.

Về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, PGS.TS. Phạm Trọng Thuật cho rằng, cần thể hiện được các quy định cụ thể đối với công tác quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan của Thủ đô Hà Nội; cần đưa ra quy định cụ thể hơn nữa trong công tác chỉnh trang các tuyến đường giao thông quan trọng cũng như công tác thiết kế đô thị.

Đối với nội dung trong dự thảo về việc UBND TP. Hà Nội ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, biện pháp quản lý không gian đô thị, không gian ngầm, kiến trúc, cảnh quan, vùng di sản đối với khu vực nội đô lịch sử, khai thác cảnh quan Sông Hồng và các trục cảnh quan theo quy hoạch; các nguyên tắc và điều kiện xây dựng riêng trong khu vực nội đô lịch sử và các đô thị của Hà Nội về giảm phát thải, bảo vệ môi trường, PGS.TS. Phạm Trọng Thuật nêu, khác với quy định của Luật Kiến trúc, quy định này của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phân quyền mạnh hơn cho chính quyền Hà Nội.

Tuy nhiên trong các biện pháp quản lý không gian của thủ đô nêu trên không có quy định nào quy định về quản lý và phát triển không gian cây xanh đô thị, không gian công cộng trong đô thị, vì vậy, Hà Nội ban hành quy định, quy chế, biện pháp quản lý không gian đô thị…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ...

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận những ý kiến góp ý tâm huyết và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học và khẳng định, các ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được TP. Hà Nội, Ban Soạn thảo, các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học kịp thời hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Từ nay đến khi Quốc hội thông qua Dự thảo Luật, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tiếp tục tổ chức các hội thảo, lĩnh hội các ý kiến góp ý trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, về 3 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đang được triển khai cùng lúc là lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).


Nguồn: https://thanglong.chinhphu.vn/ - 01-08-2023

89 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL