Việt Nam – Hàn Quốc: Hợp tác hiệu quả về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng

Sáng ngày 23/1/2024, tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Hà Nội,  Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc tổ chức Hội nghị triển khai năm 2024 Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (gọi tắt là Dự án VKC). Tham dự Hội nghị có đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc, các đơn vị thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc, Bộ Xây dựng Việt Nam, Ban QLDA VKC phía Hàn Quốc và Việt Nam.

 

Ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số 38/QĐ-BXD Phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thực hiện Dự ánThành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”. Dự án VKC nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam – Bộ Đất đai, hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc nói riêng. Dự án VKC được triển khai thực hiện sẽ góp phần đẩy nhanh công tác thực hiện Đề án 950 thông qua việc xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh. 

 

Ông Park, Jin Hong – Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc khẳng định: Dự án VKC là dự án rất quan trọng, là nội dung hợp tác trọng điểm giữa hai Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam

Về phía Việt Nam: Bộ Xây dựng giao cho nhiệm vụ triển khai Dự án cho Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Cục Phát triển đô thị, Vụ Quy hoạch kiến trúc và các đơn vị liên quan. Phía Hàn quốc đơn vị chịu trách nhiệm chính là: Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT), Viện Nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS); Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc (LH); Cơ quan công nghệ hạ tầng tiên tiến Hàn quốc (KAIA). Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị được Bộ Xây dựng giao là Chủ dự án có trách nhiệm phối hợp với Nhà tài trợ nước ngoài giám sát tiến độ và chất lượng của Dự án; là đơn vị điều phối Dự án; trực tiếp thực hiện, khai thác và sử dụng kết quả đầu ra các Hợp phần 3 và 4 về Thành lập Trung tâm VKC (Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng) và Tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh.

Ông Lê Hoàng Trung – Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị - Bộ Xây dựng hy vọng dự án sẽ tiếp tục đóng góp vào quá trình nghiên cứu, xây dựng, chỉnh sửa, phát triển Đề án 950 trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Lê Hoàng Trung – Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị - Bộ Xây dựng mong muốn: Trong thời gian tới, Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu tổng kết, đánh giá đề án 950 của Chính phủ và hy vọng dự án sẽ tiếp tục đóng góp vào quá trình nghiên cứu, xây dựng, chỉnh sửa, phát triển Đề án này trong giai đoạn tiếp theo.  

Dự án VKC đã nhận được Giải thưởng "Đối tác hợp tác Hàn quốc - quốc tế tốt nhất" (Best partnership Award) của Chính phủ Hàn quốc trao cho Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT) và Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) -  Bộ Xây dựng.

Tại Hội nghị triển khai Dự án năm 2024, ông Park, Jin Hong – Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc khẳng định: Dự án VKC là dự án rất quan trọng giữa hai Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam, là nội dung hợp tác trọng điểm nhằm cụ thể hóa bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc về phát triển đô thị bền vững. Năm 2024 là năm cuối cùng triển khai dự án, Hàn Quốc rất quan tâm đến dự án này, thông qua các hoạt động của Dự án, Hàn Quốc mong muốn có những kết quả tốt cho công tác phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, đảm bảo hoạt động hợp tác hiệu quả của dự án.

Bà Phạm Thị Hồng My – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Dự án đã đạt được những kết quả đạt tích cực và khả quan

Bà Phạm Thị Hồng My – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Dự án đã trải qua hơn 2 năm triển khai, chúng ta vui mừng nhận thấy Dự án đã đạt được những kết quả đạt tích cực và khả quan. Có được kết quả như hôm nay là nhờ vào sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc, sự chỉ đạo toàn diện của Đại sứ quán Hàn Quốc và Việt Nam, sự chủ động của 2 đơn vị làm chủ dự án là Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT) và Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC), sự phối kết hợp tích cực, chặt chẽ của các đơn vị liên quan. Năm cuối cùng này sẽ là năm mấu chốt, năm quan trọng nhất cần phối hợp chặt để đạt được mục tiêu cũng như kết quả đạt được của Dự án đã đặt ra từ thời gian đầu.

Hội nghị bàn kế hoạch thực hiện năm 2024 hôm nay có ý nghĩa quan trọng và thiết thực nhằm tìm được những giải pháp khả thi để thực hiện năm cuối của dự án, phấn đấu hoàn thành tối đa và đạt được những kết quả đặt ra. Nhiệm vụ chúng ta cần làm sau Dự án là đảm bảo được tính lan tỏa và kết nối hợp tác tiếp theo giữa 2 Chính phủ, cũng như các kết nối tiếp theo giữa các đơn vị, doanh nghiệp Hàn quốc và Việt Nam trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc để tham gia phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam. Việc triển khai thực hiện dự án ngày hôm nay sẽ làm nền tảng, cơ sở vững chắc để chúng ta cùng xúc tiến các hoạt động hợp tác mới trên cơ sở phát huy những  kết quả đạt được, tìm ra những nội dung trọng tâm mới để làm sao sự hợp tác giữa 2 bên ngày càng phát triển bền vững và tạo được dấu ấn trong hợp tác Việt – Hàn, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Ông Park, Jae Hyun - Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT) – Giám đốc Dự án VKC phía Hàn Quốc báo cáo các kết quả đạt được năm 2023 và hương hướng triển khai năm 2024 đối với từng hợp phần của Dự án. Cụ thể như:

Hợp phần 1: Xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam: đã phối hợp với chuyên gia Hàn Quốc xây dựng Dự thảo bộ tiêu chí đô thị thông minh: Nghiên cứu tiêu chí để xây dựng Bộ tiêu chí ĐTTM Việt Nam thông qua thảo luận với nhóm chuyên gia về từng hạng mục chính (1. Khung chính sách và Quy hoạch phát triển đô thị, 2. Hạ tầng công nghệ đô thị, 3. Hạ tầng kỹ thuật số, 4. Dịch vụ – Tiện ích, 5. Kinh tế số, Khởi nghiệp và sáng tạo); Thiết lập hướng dẫn khung cơ sở dữ liệu giám sát đô thị thông minh; Hỗ trợ lập Dự thảo Bộ tiêu chí Chứng nhận Đô thị thông minh Việt Nam; Thiết lập và vận hành phòng họp thông minh tại Cục phát triển đô thị - Bộ Xây dựng; Tổ chức các cuộc họp, hoạt động truyền thông về phát triển đô thị thông minh; Tổ chức 01 phiên chuyên đề “Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị”, nằm trong chuỗi các hoạt động của Hội nghị phát triển đô thị Việt Nam bền vững năm 2023.

Hợp phần 2: Thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh cho khu đô thị An Vân Dương A và B – thành phố Huế: đã làm việc với chuyên gia Hàn Quốc để đóng góp ý kiến và bổ sung thông tin cần thiết cho các đối tác Hàn Quốc trong việc thí điểm lập quy hoạch đô thị thông minh cho khu đô thị đã được lựa chọn để thí điểm. Xem xét hiện trạng công nghệ và cơ sở hạ tầng của tỉnh Thừa Thiên Huế và Khu đô thị mới An Vân Dương, đề xuất 14 dịch vụ ĐTTM và phương án xây dựng trung tâm điều hành đô thị tích hợp tại An Vân Dương. Các chuyên gia Hàn Quốc có trách nhiệm sẽ hoàn thiện Phương án Quy hoạch tổng thể đô thị thông minh cho Khu đô thị mới An Vân Dương A và B, dự kiến sẽ thực hiện từ tháng 1 đến hết tháng 7 năm 2024. Dự án đã có nhiều khảo sát quy hoạch tại Thành phố Huế và đưa ra 5 khái niệm, 5 tầm nhìn theo 5 hạng mục đánh giá.

Hợp phần 3: Thành lập Trung tâm VKC (Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng): Đã phê duyệt các hạng mục chính về thiết kế nội thất, điện và cơ điện cho Trung tâm VKC; Hoàn thành công tác dọn dẹp mặt bằng, và triển khai lắp đặt một số trang thiết bị nội thất và hệ thống điện, cơ điện cơ bản; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng để tiếp nhận và lắp đặt trang thiết bị công nghệ. Đặt mục tiêu đến tháng 6/2024 sẽ lắp  xong tất cả các trang thiết bị và đưa vào vận hành 2 tháng trước khi kết thúc dự án.

Thiết kế và thi công phòng triển lãm công nghệ: Với mục đích hoạt động liên tục như một nơi trao đổi công nghệ, không gian triển lãm mở và phòng triển lãm linh hoạt được tạo ra và hoàn thiện dựa trên việc xem xét khí hậu địa phương cũng như thiết kế và chức năng tổng thể của Trung tâm VKC. Tiến hành xây dựng nền tàng quản lý bảo trì phòng triển lãm công nghệ. Phương án vận hành khu livinglad tại Khu đô thị Tây Hồ Tây: lắp đặt 30 hệ thống công nghệ được đào tạo tại trung tâm VKC, người dân đến có thể trải nghiệm hoạt động của 1 khu đô thị thông minh thực tế. Khu đô thị thông minh sẽ được tái hiện qua khu đô thị Tây Hồ Tây – Hà Nội.

Hợp phần 4: Tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và triển lãm công nghệ về đô thị thông minh

 Đã hoàn thành nội dung Điều tra khảo sát, đánh giá nhu cầu công nghệ và nhu cầu đào tạo về ĐTTM. Hoàn thiện cẩm nang chú giải thuật ngữ về đô thị thông minh do chuyên gia Hàn Quốc xây dựng, có tham khảo ý kiến của chuyên gia Việt Nam theo hướng phù hợp, có thể áp dụng tại Việt Nam. Hoàn thiện chương trình và tài liệu đào tạo về đô thị thông minh dựa trên tài liệu của các chuyên gia Hàn Quốc. Phối hợp với KICT tổ chức chương trình học tập, chia sẻ kinh nghiệm về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tại Hàn Quốc. Hoàn thành 09 lớp đào tạo trong nước về phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Năm 2024, Hợp phần 4 sẽ tập trung vào công tác đào tạo thí điểm và 1 chương trình học tập ngắn hạn tại Hàn Quốc dự kiến sẽ thực hiện trong Quý II năm 2024.

Ông Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) – Giám đốc Dự án VKC phía Việt Nam khẳng định: Dự án là sự kết nối, giao lưu các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến về đô thị thông minh Hàn quốc với Việt Nam.

Ông Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) – Giám đốc Dự án VKC phía Việt Nam khẳng định: Dự án đã trải qua gần 03 năm thực hiện. Đây là sự kết nối, giao lưu các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến về đô thị thông minh Hàn quốc với Việt Nam. Hợp phần thứ 4 rất quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cán bộ quản lý đô thị các cấp trên toàn quốc để có lộ trình gắn với giải pháp phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Hợp phần 4 cuối năm 2023 đã xây dựng chương trình đào tạo, hoàn thành khung và nội dung chi tiết của chương trình đào tạo. Năm 2024 sẽ hoàn thành 50 Ebook gắn với các chương trình đào tạo. Sau Tết có 5 khóa đào tạo thí điểm và tiếp tục các khóa đào tạo nhân rộng kết quả đạt được của Dự án tại các địa phương. Hợp phần thành lập Trung tâm VKC là 1 hợp phần phức tạp trong công tác nhập khẩu thiết bị, AMC đã và đang chủ động xây dựng tờ trình, phối hợp cùng các đơn vị chức năng báo cáo Bộ Xây dựng để tiến hành các thủ tục cần thiết cho công tác này

Tại Hội nghị triển khai dự án năm 2024, các bên cùng trao đổi công việc thực hiện của dự án năm 2024 như tập trung hoàn thành Trung tâm VKC, khu trưng bày triển lãm và thực nghiệm về đô thị thông minh tại khu đô thị Tây hồ Tây, phát triển các công nghệ tiên tiến, xây dựng mô hình 3D. Thực hiện vận hành thí điểm khu trưng bày triển lãm, tổ chức các sự kiện về trao đổi công nghệ, tham gia xây dựng các nội dung đào tạo online, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa hai bên để công tác thực hiện đạt kết quả tốt, đúng như mục tiêu đề ra. Trung tâm VKC vận hành và quản lý như thế nào cho hiệu quả là vấn đề quan trọng được đặt ra.

Các kết quả nghiên cứu sẽ được tích hợp vào nội dung chương trình và tài liệu đào tạo về đô thị thông minh, triển khai đào tạo bồi dưỡng thí điểm trong năm 2024 cho các đơn vị, địa phương tại Việt Nam để từng bước hiện thực hóa Đề án 950 của Chính phủ về phát triển đô thị Việt Nam thông minh bền vững.

Việc Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc cho lĩnh vực phát triển đô thị thông minh thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật này thực sự cần thiết và hữu ích trong bối cảnh Việt Nam đang ở bước đầu xây dựng đô thị thông minh. Dự án sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chiến lược phát triển ngành, công tác lập quy hoạch phát triển đô thị trên toàn quốc một cách bền vững thông qua: (i) xây dựng hướng dẫn về đô thị thông minh và thí điểm áp dụng quy trình công nhận đô thị thông minh; (ii) thực hiện thí điểm thành công quy hoạch tổng thể đô thị thông minh; (iii) tăng cường năng lực, trao đổi và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh để tiến tới hình thành được chuỗi đô thị thông minh trên phạm vi cả nước vào năm 2030. Bên cạnh đó, kết quả của Dự án sẽ mang lại những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho Việt Nam nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng trong việc triển khai Đề án 950 “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đọan 2018-2025 và định hướng đến năm 2030”.


24-01-2024

2619 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL