Xây dựng Thái Hòa thành trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An

Sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, trở thành nơi đậm chất phố thị sầm uất, nơi giao thoa, hội tụ kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An.

 

 

Thị xã Thái Hòa được coi là một trong những đô thị quan trọng ở khu vực “Nam Thanh, Bắc Nghệ”.

Thị xã Thái Hòa đang phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị loại III. năm 2030, trở thành một trong ba thành phố trực thuộc tỉnh Nghệ An; một trong những đô thị quan trọng của khu vực “Nam Thanh-Bắc Nghệ” theo đúng tinh thần, định hướng của Đảng, Nhà nước.

Nền tảng phát triển

Là một trong những cái nôi của người Việt cổ, thị xã Thái Hòa ngày nay vẫn mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc Kinh, Thái, Thổ cùng chung sống. Những năm 60 của thế kỷ trước, nơi đây được xem là trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An, hội tụ người dân, công nhân từ nhiều địa phương trong cả nước về định cư, lập nghiệp. Tại đây có những nông trường đầu tiên của tỉnh Nghệ An, tiền thân của những đồn điền cao su, cà-phê, cây ăn quả trù phú.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh, Thái Hòa đã trở thành đầu mối giao thương, buôn bán, là điểm gặp gỡ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng. Thị xã Thái Hòa nằm trên điểm giao cắt của 5 tuyến quốc lộ, trong đó có tuyến Quốc lộ 48 dài 22 km chạy qua địa bàn thị xã. Đây là tuyến giao thông đường bộ huyết mạch, nối Quốc lộ 1 lên các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và tây nam Thanh Hóa.

Theo Bí thư Đảng ủy phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa Bùi Văn Lan, không chỉ có lợi thế về giao thông, thị xã Thái Hòa còn được kế thừa nguồn nhân lực chất lượng cao, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp từ các nông, lâm trường, doanh nghiệp trước đây. Bên cạnh đó, dân số trong độ tuổi lao động tương đối nhiều, năng động, có trình độ, tiếp cận nhanh công nghệ, cầu tiến nên đã tạo điều kiện cho kinh tế, dịch vụ trên địa bàn phát triển mạnh.

Đáng chú ý, ở đây có Nhà máy cơ khí 250 Phủ Quỳ thành lập từ năm 1956 - một trong những nhà máy cơ khí lớn nhất miền bắc lúc bấy giờ, chuyên đại tu ô-tô, máy kéo, sửa chữa thiết bị quốc phòng và hiện nay, nhà máy trở thành Công ty cổ phần cơ khí và xây lắp 250 Phủ Quỳ. Ngoài sửa chữa ô-tô, máy kéo, doanh nghiệp còn sản xuất cấu kiện thép, nhà tiền chế, thiết bị cơ khí… đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và cả nước.

Những lớp con cháu của các thợ cả xưa với trình độ tay nghề sẵn có đã thành lập các doanh nghiệp, tổ hợp, xưởng chế tạo cơ khí, gia công cơ khí, chế biến nông sản… phục vụ nhu cầu phát triển.

Điển hình như gara ô-tô Phúc Lan, với truyền thống làm cơ khí, tay nghề cao, đã dần khẳng định được thương hiệu, chất lượng khắp cả vùng Tây Bắc Nghệ An trong suốt 18 năm qua. Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Phúc Lan Nguyễn Tiến Quyền chia sẻ: “Xe ô-tô từ các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn,... thay vì phải chạy xa cả trăm ki-lô-mét xuống thành phố Vinh để sửa chữa thì nay có thể yên tâm về Thái Hòa. Mỗi ngày, gara tiếp nhận sửa chữa hàng chục xe ô-tô con. Các công nghệ, kỹ thuật cao, gara đều có thể thực hiện”.

Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Thái Hòa Cao Thị Minh Nguyệt cho biết: Đến nay, thị xã đã có được 13 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương cũng đang tích cực thu hút ba dự án với tổng mức đầu tư hơn 1.188 tỷ đồng; lấp đầy khoảng 70% cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, giải quyết nhu cầu việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Phát huy thế mạnh về nguồn đất bazan màu mỡ, Thái Hòa khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nông, lâm nghiệp công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp tập trung, cây công nghiệp… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ba năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã Thái Hòa đều đạt từ 7,55%-9,35%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp-xây dựng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn 1,07%; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Dự kiến đến năm 2025, Thái Hòa sẽ trở thành đô thị loại III theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Thành phố hai bờ sông Hiếu

Những kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua đã và đang tạo động lực lớn để thị xã Thái Hòa phát triển, đồng thời lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống với những lợi thế riêng khá nổi bật.

Những năm qua, thị xã Thái Hòa đã tranh thủ, huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư để quy hoạch, xây dựng và hoàn thành nhiều công trình giao thông; công trình văn hóa, xã hội có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Bí thư Thị ủy Thái Hòa Chu Anh Tuấn cho biết: Thái Hòa hướng đến là đô thị sinh thái, hiện đại ở hai bên bờ sông Hiếu, với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại có bản sắc riêng; kinh tế phát triển khá; là trung tâm dịch vụ, y tế, đào tạo nghề, nông nghiệp công nghệ cao của khu vực;...

Để hiện thực hóa được những mục tiêu đặt ra, Thái Hòa xác định việc mở rộng địa giới hành chính và mở rộng quy mô đô thị là một trong những chiến lược quan trọng của thị xã. Đến năm 2030, diện tích tự nhiên của thị xã đạt tối thiểu 150 km2.

Thị xã đang từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại gắn với nâng cao năng lực quản lý đô thị và thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Thị xã sẽ ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, kết nối nhanh và thuận tiện tới các đầu mối giao thông của tỉnh và các khu kinh tế quan trọng.

Theo đó, thị xã sẽ sớm hoàn thành Quốc lộ 48 đoạn tránh thị xã Thái Hòa gắn với cầu Hiếu 3 nối phường Long Sơn với xã Tây Hiếu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường lý tưởng để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất trên địa bàn, nhất là các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp…

“Trong thời gian tới, Thái Hòa mong muốn tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thái Hòa, tạo “cú huých” mạnh mẽ giúp địa phương có bước phát triển nhanh hơn; tiếp tục quan tâm bổ sung các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn để thị xã có đủ nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, bảo đảm các tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2030”, Bí thư Thị ủy Thái Hòa chia sẻ.

Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An với thị xã Thái Hòa, đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu thị xã Thái Hòa dồn nguồn lực, lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm; khơi thông nguồn lực trên cơ sở vận dụng hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển thị xã đã được đề cập trong Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 39; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, thị xã cũng cần nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư công vào danh mục công trình trọng điểm của tỉnh và các bộ, ngành Trung ương.

 

Nguồn: Nhân dân điện tử


14-10-2024

703 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL