Phát triển đô thị hiện đại, hướng sông, bám biển

Từ định hướng rõ nét, thành phố đang tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tạo dấu ấn mới trong chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị, đưa Hải Phòng trở thành đô thị hiện đại, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng quy hoạch Hải Phòng là đô thị xanh hiện đại, không gian mở rộng hướng biển, phát triển không gian ven sông thành khu vực kinh tế dịch vụ bền vững…

 

Tăng tỷ lệ đô thị hóa

Hoạt động lấn biển góp phần phát triển du lịch, đô thị và dịch vụ thương mại tại Đồ Sơn. Trong ảnh: Khu đô thị Đồi Rồng. Ảnh: Nguyễn Đại Thắng

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Hưng cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cụ thể với các mục tiêu phát triển, mở rộng không gian đô thị trong Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn 2050, Hải Phòng từng bước triển khai và đạt được kết quả rất cụ thể.

Theo đó, cùng với chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm, thành phố đẩy nhanh tốc độ phát triển, mở rộng không gian đô thị về 3 hướng đột phá. Hướng Đông Nam phát triển đô thị dịch vụ Cát Hải, công nghiệp, cảng biển và dịch vụ hàng hải quốc tế. Mở rộng không gian phát triển cảng quốc tế Lạch Huyện, công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch, bến tàu du lịch cao cấp; mở rộng không gian đô thị Cảng khu vực quận Hải An và đảo Cát Hải, phát triển du lịch đảo Cát Bà gắn với Di sản thiên nhiên thế giới được UNESSCO công nhận. Đặc biệt, ngày 04/12/2024, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1511/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có quy mô 20.000 ha là cột mốc quan trọng trong việc phát triển, mở rộng không gian đô thị về phía Đông Nam thành phố. Hướng Bắc, các dự án đầu tư hạ tầng tại huyện Thủy Nguyên được ưu tiên đầu tư đáp ứng tiêu chí đô thị loại 3, góp phần đưa huyện trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng. Hướng Tây Nam thành phố hình thành các khu đô thị đa chức năng mới hiện đại kết nối với khu vực nội đô lịch sử bằng hành lang giao thông tốc độ nhanh (đường Phạm Văn Đồng, đường Lạch Tray)...

Cùng với thành phố Thủy Nguyên, từ ngày 01/01/2025, huyện An Dương chính thức lên quận, mở rộng địa giới quận Hồng Bàng sáp nhập thêm 3 xã (Đại Bản, An Hưng, An Hồng) của huyện An Dương đã góp phần mở rộng không gian đô thị thành phố. Đến nay, Hải Phòng được công nhận là thành phố đạt các tiêu chí của đô thị loại 1, đô thị cấp quốc gia; có 15 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 8 quận, 6 huyện và 1 thành phố. Tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2024 đạt 69% và sẽ tiếp tục tăng trưởng sau khi thành phố hình thành thêm các đô thị mới được cấp có thẩm quyền công nhận trong thời gian tới.

Hải Phòng đang thu hút các dự án đầu tư phát triển không gian đô thị ven sông. Trong ảnh: Khu đô thị ven sông Cấm quận Hồng Bàng.

Đô thị hướng sông, bám biển

Theo Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng mở rộng không gian, phát triển đô thị về phía biển được định hình với việc phát triển hệ thống cảng biển tại Lạch Huyện, cảng Nam Đồ Sơn, Khu kinh tế ven biển phía Nam (Tiên Lãng)… Cụ thể, khu vực phát triển phía Đông (huyện Cát Hải) phát triển đô thị, cảng biển và dịch vụ hàng hải quốc tế. Về phía Đông Nam hình thành khu trung tâm thương mại - dịch vụ, Khu kinh tế phía Nam với khu cảng - công nghiệp Đồ Sơn, phát triển các khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với trung tâm dịch vụ hàng hải quốc tế.

Ngày 04/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1511/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Trong những năm tới, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ là trọng điểm phát triển. Với diện tích 20.000 ha, trong đó có gần 3.000 ha đất lấn biển, khu vực này sẽ được quy hoạch thành trung tâm công nghiệp, logistics, cảng biển và du lịch cao cấp. Cùng với đó, hoạt động lấn biển tiếp tục được đẩy mạnh tại các khu vực như: Đồ Sơn, Cát Bà; tạo thêm quỹ đất khoảng 290 ha tại Đồ Sơn và 25 ha tại khu vực Xuân Đám - Cát Bà để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, đô thị và dịch vụ thương mại. Tại các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, An Dương và thành phố Thủy Nguyên, quy hoạch các khu vực Sông Cấm, sông Lạch Tray thành các hành lang phát triển đô thị ven sông, với các khu thương mại, dịch vụ, tài chính và du lịch sinh thái. Đồng thời, phát triển hệ thống công viên ven sông kết hợp với không gian công cộng, khu vui chơi giải trí, quảng trường đô thị…

Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong năm 2025, Sở tham mưu Thành phố tổ chức lập, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Hải Phòng; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 khu vực Đồ Sơn và Cát Bà theo hướng lấn biển. Song song với đó, triển khai lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch chung Khu kinh tế ven biển phía Nam; tổ chức lập và phê duyệt Quy hoạch phân khu chức năng trong Khu kinh tế ven biển phía Nam, đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, thành phố tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải đến năm 2045; thực hiện điều chỉnh một số quy hoạch nhằm đón đầu xu hướng phát triển trong tương lai, tận dụng lợi thế từ các ga đường sắt sẽ được Trung ương đầu tư, kết nối với hệ thống giao thông, cảng biển, phát triển các khu công nghiệp, đô thị.

Nguồn: Báo Hải Phòng


26-04-2025

9 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL