Quảng Ninh: Mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình chuỗi đô thị  

(Xây dựng) – Chủ trương phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 đã được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị từ nhiều năm trước. Đây là nội dung quan trọng và mục tiêu cao nhất trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện ý chí, quyết tâm và khát vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

 

 

Quảng Ninh: Mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình chuỗi đô thị
Khu vực trung tâm thành phố Hạ Long - thủ phủ đô thị tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: CTTĐT thành phố Hạ Long)

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023; trong đó định hướng quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị; đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị; Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 07 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Quảng Ninh đã sớm xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa phương án quy hoạch hệ thống đô thị trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh chủ trương xây dựng Chương trình phát triển đô thị Quảng Ninh đến năm 2030 làm cơ sở quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, lập kế hoạch quản lý sử dụng các nguồn lực hợp lý nhằm nâng cao chất lượng đô thị và phát triển đô thị bền vững, phát triển Quảng Ninh hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030, với dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp của quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.

Ngày 13/4/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Mục tiêu đề ra là phát triển Quảng Ninh trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; là cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt từ 19.000 đến 20.000 USD.

Quảng Ninh: Mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình chuỗi đô thị
Định hướng quy hoạch phát triển đô thị trung tâm thành phố Hạ Long tầm nhìn đến năm 2040 lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.

Theo nội dung Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đề ra, Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng, trong đó, sẽ không hình thành các quận mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông...

Theo đó, phát triển các đô thị theo đơn vị hành chính cấp huyện đáp ứng tiêu chí đô thị loại I, theo mô hình thành phố trong thành phố, không hình thành các quận nội thành. Các thành phố trong vùng nội thị này bao gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái (huyện Hải Hà hợp nhất với thành phố Móng Cái) được đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại I đến năm 2030; với 152 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 77 phường (chiếm 51% số phường).

Tổng diện tích tự nhiên 4.025,48km2; dân số thường trú 978.348 người, dân số đô thị đạt 848.228 người (chiếm 86,7%). Các đô thị khác thuộc các huyện: Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quảng Ninh: Mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình chuỗi đô thị
Khu đô thị Phương Đông (huyện Vân Đồn) được đầu tư đồng bộ, hiện đại. (Ảnh: QMG)

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính, dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người (dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa trên 75%; Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã (TX) Tiên Yên.

Đồng thời, hình thành 3 vùng liên huyện, bao gồm: Vùng liên huyện Hạ Long là TP Hạ Long, TX Quảng Yên, TP Uông Bí, TX Đông Triều, thành phố Cẩm Phả. Trong đó, thành phố Hạ Long là trung tâm vùng, TX Quảng Yên gắn với khu kinh tế ven biển Quảng Yên là động lực tăng trưởng mới, quy mô dân số khoảng 1,9 triệu người; diện tích khoảng 3.028km2.

Đây là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh Quảng Ninh, với ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng, cảng biển, các ngành năng lượng sạch…

Quảng Ninh: Mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình chuỗi đô thị
Một góc đô thị thành phố Móng Cái. (Ảnh: QMG)

Vùng liên huyện Vân Đồn, gồm: Huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô, huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ. Trong đó, khu vực đô thị trung tâm huyện Vân Đồn là trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 323,5 nghìn người; diện tích khoảng 4.145km2. Đây là vùng kinh tế du lịch, công nghiệp sạch và công nghệ cao, logistics, nông lâm ngư nghiệp, trong đó Vân Đồn là khu kinh tế ven biển, mũi đột phá, trung tâm phát triển và tăng cường kết nối đến các vùng miền núi phía Bắc và vùng biển đảo phía Nam, là một cửa ngõ mới ra biển của vùng miền núi phía Đông Bắc.

Vùng liên huyện Móng Cái gồm: Thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, huyện Bình Liêu, trong đó, thành phố Móng Cái gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là mũi đột phá, trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 418.900 người, diện tích khoảng 2.671km2. Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch biên giới, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á với hạ tầng đường cao tốc, cảng biển quy mô lớn Hải Hà, Vạn Ninh…

Để thực hiện nội dung đề ra, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng danh mục, kế hoạch nâng loại đô thị toàn tỉnh đến năm 2030; định hướng phát triển và đề xuất các phương án phát triển; các dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung; giải pháp về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở các đồ án quy hoạch, các chương trình, kết hoạch phát triển đô thị, Quảng Ninh đã dành nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị trên địa bàn tỉnh, đồng thời kêu gọi được nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án giao thông trọng điểm (Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; mở rộng tuyến đường Trần Quốc Nghiễn, cầu Bài Thơ 1, 2, thành phố Hạ Long; tuyến đường nối khu công nghiệp (KCN) Cái Lân, KCN Việt Hưng với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường nối cảng hàng không Vân Đồn với khu công viên phức hợp; tuyến đường kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với các khu chức năng thị xã Quảng Yên; cầu Triều kết nối thị xã Đông Triều với thành phố Hải Dương; tuyến đường ven sông nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều…).

Cùng với các dự án giao thông trọng điểm đã và đang triển khai thực hiện, các dự án hạ tầng dịch vụ du lịch, thương mại, các dự án hạ tầng văn hóa, thể thao, các dự án hạ tầng công nghiệp và các dự án khu đô thị cao cấp đã tạo diện mạo mới cho các đô thị trên toàn tỉnh, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Hoàng My


https://baoxaydung.com.vn/ - 06-06-2024

324 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL