Phát triển đô thị sông nước vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long hướng tới tăng trưởng xanh

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng châu thổ rộng và phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới, một vùng đất quan trọng với sản xuất lương thực lớn nhất nước. Để có thể tập trung xây dựng và phát triển các thế mạnh của vùng một cách bền vững thì các đô thị sông nước ĐBSCL với vai trò là động lực của phát triển kinh tế đang từng bước chuyển đổi mô hình theo hướng tăng trưởng xanh.

Chiến lược xanh và hệ thống đô thị Việt Nam

15 năm trở lại đây hệ thống đô thị Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Toàn quốc có trên 765 đô thị. Mạng lưới đô thị phân bổ hợp lý trên 6 vùng kinh tế xã hội của đất nước, cơ bản đã hình thành rõ nét một số vùng đô thị hóa, trong mỗi vùng đã đảm bảo ít nhất có một đô thị hạt nhân đóng vai trò là cực tăng trưởng thúc đẩy sự phát triển của vùng. Kinh tế đô thị đóng góp lớn GDP cho cả nước, khẳng định vai trò của phát triển đô thị trong quá trình CNH, HĐH đất nước.

Xác định vai trò của hệ thống đô thị quốc gia là rất lớn, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050”, Quyết định số 758/QĐ-TTG Thủ tướng Chính phủ  8/6/2009 Phê duyệt “Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020”.

Ngày 07/11/2012 tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020” đã xác định rõ  “Phát triển đô thị quốc gia đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, hướng tới nền kinh tế xanh, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấn kinh tế địa phương, vùng và cả nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa”.

Kinh tế xanh là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, với cách tiếp cận không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận theo xu hướng mới này nhằm hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các đô thị với vai trò là đầu tầu thúc đẩy phát triển kinh tế mà đặc biệt là các đô thị phát triển theo hướng xanh hóa cần đóng vai trò mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho bảo tồn và phát triển, giảm thiểu phát thải khí nhà kính…

 

Đô thị vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long - đô thị sông nước

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng châu thổ rộng và phì nhiêu ở Đông Nam Á và thế giới, là một vùng đất quan trọng, sản xuất lương thực lớn nhất nước, là vùng thuỷ sản và vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn của cả nước. Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long có 159 đô thị chiếm 1/5 số lượng đô thị cả nước (cả nước hiện nay là 765 đô thị) trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương, 3 đô thị loại II, 9 đô thị loại III là thành phố, 3 đô thị loại III là thị xã, 6 đô thị loại IV là thị xã, 15 đô thị loại IV là thị trấn và 115 đô thị loại V.

Xét về các điều kiện tự nhiên, lợi thế của ĐBSCL là rất đáng kể. Với vị trí địa lý 3 mặt giáp biển, bờ biển dài trên 700km, nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, giữa Nam Á và Đông Á cũng như Châu úc và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương, ĐBSCL sở hữu tiềm năng giao lưu, thông thương quốc tế rất lớn. Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc rất thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, ĐBSCL có tài nguyên khoáng sản đa dạng, trữ lượng đá vôi,đá Granit, Andesit, sét gạch ngói, cát sỏi, than bùn và nước khoáng đều đạt mức cao.

Về thế mạnh nguồn nhân lực, trước hết phải nhắc đến truyền thống cách mạng, sự thông minh sáng tạo, kinh nghiệm trong sản xuất hàng hoá của nhân dân ĐBSCL, do đó, có thể thích ứng nhanh nhạy với điều kiện và đòi hỏi mới của thời đại khoa học công nghệ tiên tiến. Dân số của cả vùng là 17.330.900 người trong đó khu vực đô thị là 4.391.344 người chiếm 25,3%, dân số tập trung ở khu vực nội thị và các điểm tập trung dân cư là 2.810.836 người chiếm 16,2%. Phần lớn lao động có tay nghề đều tập trung tại các khu vực đô thị, nguồn lực lao động khá dồi dào. Lao động có kinh nghiệm, tay nghề trong nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. ĐBSCL có nhiều cơ sở chế biến thuỷ sản, sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ thuỷ sản rộng, lớn ở các nước trong khu vực, EU, Nhật, Bắc Mĩ

Tuy nhiên, có thể thấy rõ kết cấu hạ tầng rất trong khu vực yếu kém đặc biệt về nhà ở (còn nhiều nhà tranh vách nứa), giao thông, điện cung cấp nước. Hệ thống đường bộ, ngoài đường quốc lộ 1A, còn nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng gây cản trở giao thông. Đường làng xã còn ít, khoảng 400 xã vùng sâu ô tô loại nhỏ không đi được, cầu khỉ còn nhiều. Vùng ĐĐBSCL không có đường sắt, có 2 sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) và Phú Quốc (Kiên Giang) là đáng kể, còn lại sân bay nhỏ chưa được khai thác. Xét theo nhu cầu của vùng này hiện nay thì số lượng cầu, đường hiện nay vẫn còn quá mỏng và thưa thớt.

Tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh trên địa bàn nên nhiều năm qua hàng loạt đô thị tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được nâng cấp lên đô thị loại 3, loại 2 với vai trò là TP tỉnh lỵ hoặc thị xã trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển nóng về không gian đô thị không đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước, xử lý rác thải dẫn đến tình trạng kẹt xe, ngập lụt cục bộ, ô nhiễm môi trường… Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi năng lực quản lý, trình độ quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp nên ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống, sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ người dân tại các đô thị này.

Các đô thị trong khu vực này là đối tượng chịu tác động chính của biến đổi khí hậu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Các dự báo cho thấy đến năm 2100, vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng, do tác động của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu là nguy cơ khiến tổng sản lượng sản xuất trồng trọt có thể giảm từ 1 đến 5%, năng suất các cây trồng chính có thể giảm đến 10%, đặc biệt đối với sản xuất lúa. Nước biển dâng cao làm xâm nhập mặn sâu hơn vào nội địa, có thể làm cho khoảng 2,4 triệu héc-ta đất bị nước biển xâm nhập. Theo đó, nếu mực nước biển dâng cao 1m thì nhiều diện tích chuyên trồng lúa 2 vụ/năm sẽ không thể sản xuất được do nước mặn tràn vào.

Nhìn chung, có thể thấy rằng, hệ thống đô thị vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long với đặc trưng sông nước có rất nhiều tiềm năng để phát triển trở thành một khu vực đô thị năng động của cả nước, song cũng chính với những tiềm năng đó đã đặt ra nhiều thách thức cho chặng đường phát triển trong tương lai. Để có thể phát huy tiềm năng, hạn chế những bất cập, các đô thị vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đang hướng tới chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.

 

Hướng tới tăng trưởng xanh

Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long bao gồm Vùng Kinh tế trọng điểm được phê duyệt tại Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt đề án thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay Vùng Kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên là 1.786,7 nghìn ha, dân số trên 6,5 triệu người, chiếm hơn 1/3 dân số của vùng ĐBSCL, với trung tâm là TP. Cần Thơ là cửa ngõ đang có tốc độ phát triển nhanh chóng; là trung tâm dịch vụ lớn của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, là cầu nối trong hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế.

Mục tiêu phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đã được xác định là: “Xây dựng vùng này trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu mạnh, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước..”.  

Hiện nay khi nhiều đô thị trên cả nước đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, việc phát triển đô thị vùng ĐBSCL hướng tới tăng trưởng xanh là một điều tất yêu và cần thiết, đòi hỏi phải có các chính sách và quy hoạch chi tiết, cụ thể. Trong khuôn khổ bài viết này, xin được đề cập đến một số giải pháp như sau:

Quy hoạch cần đi trước một bước, các đô thị vùng ĐBSCL cần áp dụng những mô hình quy hoạch xây dựng đô thị mới, hướng tới tập trung vào việc xây dựng các đô thị sinh thái. Việc theo đuổi mô hình đô thị sinh thái là một giải pháp phù hợp, giúp các đô thị đang trên đà phát triển xây dựng mô hình thành phố hiện đại, giải quyết hài hòa các lợi ích kinh tế và môi trường bền vững, đảm bảo chất lượng đời sống cho người dân, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế. Mô hình đô thị sinh thái được thực hiện giúp các thành phố quy hoạch, thiết kế, đầu tư và quản lý hệ thống đô thị toàn diện và tích hợp - chuyển từ những mục tiêu đơn lẻ, đơn ngành và ngắn hạn sang các giải pháp tổng thể, đa mục tiêu và dài hạn, phát triển theo các mô hình tăng trưởng bền vững và quản lý phù hợp, để nâng cao mức sống, đồng thời khai thác nguồn vốn tự nhiên, con người và tài chính hiệu quả.

Với đặc điểm tư nhiên sông nước của vùng, các đô thị trong khu vực nhất thiết cần thiết lập các biện pháp và quy định bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu và nước biển dâng, chống lũ lụt và thủy lợi hiệu quả. Chú ý đến sinh thái của vùng, chẳng hạn, cần tạo điều kiện xả lũ định kỳ vào đồng để có thêm phù sa mới và vệ sinh đồng ruộng, giúp dễ dàng cho những nông dân còn sống theo lũ (nuôi thủy sản, sơ chế lục bình, trồng rau dưa, điên điển...). Vừa chống lũ và vừa sống với lũ.

Xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn, tài trợ trong và ngoài nước cho quá trình xây dựng và phát triển các đô thị của vùng. Trước mắt, bằng việc tăng cường chuyển giao công nghệ mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu như đường xá, xa lộ, cầu cống, bến cảng, sân bay, điện nước, viễn thông... sẽ giúp thúc đẩy sự giao lưu, kết nối giữa vùng với các Bộ, ngành, chính quyền TƯ và địa phương khác cũng như với các nhà đầu tư, các nhà tài trợ.  

Mô hình tăng trưởng kinh tế xanh nói chung và mô hình đô thị sinh thái cho từng đô thị nói riêng là hướng đi tập trung vào khai thác, phát huy những thế mạnh về thành tựu khoa học kỹ thuật, áp dụng vào thực tiễn. Do đó, để có áp dụng thành công những tiến bộ khoa học đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, theo thống kê cho biết độ 60% tuổi lao động ĐBSCL chưa được đào tạo. Đa số người dân là thành phần nông dân chỉ có khả năng và kinh nghiệm về nông nghiệp. Cho nên, cần đẩy mạnh công tác đào tạo về chuyên ngành cấp bậc trung học, sinh ngữ, quản lý, kinh doanh, dịch vụ, du lịch v.v., Cần phải chuẩn bị, đào tạo một đội ngũ chuyên môn thật đông đảo, qua một nền giáo dục hiện đại, gồm các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, chuyên gia các ngành quan trọng để hỗ trợ phát triển kinh tế trí thức tương lai của vùng.

Tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa và liên kết với các tiềm năng của từng khu, phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền nông nghiệp. Cần thành lập các khu công nghiệp biến chế nông sản, cùng với các biện pháp giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu, chất lượng, không đạt tiêu chuẩn của thị trường để phục vụ cho đô thị và xuất khẩu. Cụm khí-điện-đạm Cà Mau là một thí dụ điển hình cần kết hợp với công nghiệp khác, đánh cá, du lịch biển với Rạch Giá; và phát triển các dịch vụ, qua thành lập các trung tâm thương mại, chợ nông sản, cải tiến vùng kinh tế nội địa và biên giới.

 

Kết luận

Trước tiến trình toàn cầu hóa và đô thị hóa nhanh chóng của đất nước, những nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế của ĐBSCL - một vùng với nhiều những tiềm năng to lớn chưa được khai thác hết, các đô thị cần nhận lấy trách nhiệm đầu tầu thúc đẩy phát triển kinh tế của mình, từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên và cân nhắc sâu sắc tới các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và cạn kiệt năng lượng... Giải quyết được vấn đề trên, Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ thực sự trở thành trọng điểm phát triển kinh tế bền vững trong thế kỷ 21.


Ths. KTS Trần Anh Tuấn – Giám đốc

Trung tâm Thông tin, Hợp tác quốc tế 

và Tư vấn phát triển đô thị 

Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.

Ths. KTS Lê Hoàng Trung

Chuyên viên Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng



29-11-2013

416 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL