Mở rộng thành phố Phan Thiết, phát triển đô thị xanh

(Chinhphu.vn) - Tỉnh Bình Thuận chủ trương mở rộng thành phố Phan Thiết phát triển không gian kiến trúc đô thị hài hòa, cân đối; tăng cường khả năng tiếp cận biển, phát triển các đô thị du lịch sinh thái hướng biển, gắn với cải thiện không gian ven biển, không gian xanh, tăng diện tích không gian công cộng để phục vụ cộng đồng, phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị xanh.

 

 

 

Mở rộng thành phố Phan Thiết, phát triển đô thị du lịch sinh thái hướng biển "xanh và bền vững" - Ảnh 1.

Một góc thành phố Phan Thiết (ảnh: N. Lân)

Quyết tâm mở rộng thành phố Phan Thiết

Tại Kết luận số 703-KL/TU, ngày 15/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đặt mục tiêu mở rộng TP. Phan Thiết theo hướng hiện đại.

Theo Báo Bình Thuận, trước đây khi Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị chưa ban hành, năm 1994 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể xây dựng thị xã Phan Thiết với quy mô diện tích là 1.257ha. 

Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng cấp thị xã Phan Thiết thành TP. Phan Thiết trực thuộc tỉnh Bình Thuận. 

Năm 2001, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Phan Thiết (với quy mô toàn bộ ranh giới hành chính thành phố bao gồm 10 phường, 5 xã) và các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 các khu vực trung tâm thành phố.

Khi Luật Quy hoạch đô thị ban hành năm 2009, TP. Phan Thiết được công nhận là đô thị loại II. Theo chủ trương, định hướng mở rộng TP. Phan Thiết đã được HĐND tỉnh và UBND tỉnh Bình Thuận đặt ra, được nghiên cứu đề xuất trong đồ án Quy hoạch chung TP. Phan Thiết và được UBND tỉnh phê duyệt. 

Đến nay đã phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1197/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 bao gồm TP. Phan Thiết hiện hữu và mở rộng ra thị trấn Phú Long và một phần các xã Hàm Thắng, Hàm Liêm, Hàm Hiệp thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, một phần xã Hàm Mỹ thuộc huyện Hàm Thuận Nam.

Mở rộng thành phố Phan Thiết, phát triển đô thị du lịch sinh thái hướng biển "xanh và bền vững" - Ảnh 2.

Đại lộ Lê Duẩn (ảnh: N. Lân)

Trên cơ sở đó, UBND TP. Phan Thiết đã tổ chức lập và thực hiện điều chỉnh các Quy hoạch phân khu các phường gồm: 3 phường Phú Trinh - Phú Thủy - Thanh Hải, 2 phường Bình Hưng - Hưng Long, phường Phú Tài, phường Phú Hài, phường Mũi Né và xã Tiến Thành, hai bên đường vào sân bay Phan Thiết, hai bên đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, khu vực Đồi Cát Bay và khu vực phụ cận. 

Hiện đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai điều chỉnh đồ án Quy hoạch phân khu các phường: Xuân An, Hàm Tiến - Thiện Nghiệp và đồ án quy hoạch chung xây dựng các xã.

TP. Phan Thiết đang trong quá trình phát triển để hoàn thiện đô thị. Do đó, những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị (như các dự án KDC Hùng Vương, KDC Xuân An, KDC Đông Xuân An, KDC Bắc Xuân An, KDC Tam Biên, KDC Võ Văn Tần, KDC Văn Thánh, KDC Kênh Bàu, KDC A-E… 

Các tuyến đường giao thông chính trong khu vực trung tâm đô thị như đường Trường Chinh, đường Tôn Đức Thắng, đường Hùng Vương, đường Lê Duẩn, Công viên Võ Văn Kiệt…) nhằm từng bước xây dựng đô thị Phan Thiết theo đúng định hướng quy hoạch đã đề ra, hình thành nên đô thị hiện đại và góp phần chỉnh trang cho đô thị.

Mở rộng thành phố Phan Thiết, phát triển đô thị du lịch sinh thái hướng biển "xanh và bền vững" - Ảnh 3.

Tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu - phường Hàm Tiến (ảnh: Đình Hòa).

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, trong quá trình triển khai, một số dự án kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến môi trường sống tại khu vực dự án. 

Nguyên nhân do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế, chưa thể triển khai cùng lúc nhiều dự án. Mặt khác, khó khăn nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân trong vùng dự án không đồng thuận về giá đền bù và hỗ trợ. 

Điều này dẫn đến nhiều dự án không triển khai thực hiện được hoặc không thể hoàn thành dự án theo như kế hoạch. 

Đồng thời, công tác kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng của địa phương còn lỏng lẻo nên người dân tự ý xây dựng, gây nên tình trạng lộn xộn tại những khu vực này làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường trong đô thị. Các vấn đề này đã xảy ra với dự án thuộc vốn ngân sách nhà nước và dự án của các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế.

Không chỉ vậy, do phong tục tập quán từ lâu đời, người dân sống bám theo bờ sông, bờ biển nên hình thành nhiều khu dân cư hiện trạng giáp bờ. 

Khi dịch vụ ngày càng phát triển, nhiều dự án du lịch cũng có xu hướng phát triển bám sát suốt chiều dài mặt tiền biển giúp thu hút lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, nhưng đã làm mất đi không gian biển công cộng và hạn chế quyền tiếp cận bờ biển của người dân. Việc quản lý bảo vệ môi trường và xử lý chất thải trở nên khó khăn hơn.

Mở rộng thành phố Phan Thiết, phát triển đô thị du lịch sinh thái hướng biển "xanh và bền vững" - Ảnh 4.

Phát triển đô thị theo hướng bền vững, không gian xanh (ảnh: N. Lân))

Mở rộng thành phố Phan Thiết, phát triển đô thị du lịch sinh thái hướng biển

Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 703 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) và chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận tại Công văn số 2244 ngày 22/6/2023; Thành ủy và UBND TP. Phan Thiết đã xây dựng kế hoạch, quyết tâm triển khai thực hiện hoàn thành trước năm 2030. 

Với mục tiêu mở rộng TP. Phan Thiết phát triển không gian kiến trúc đô thị hài hòa, cân đối; tăng cường khả năng tiếp cận biển, phát triển các đô thị du lịch sinh thái hướng biển, gắn với cải thiện không gian ven biển, không gian xanh, tăng diện tích không gian công cộng để phục vụ cộng đồng. 

Đồng thời, phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị xanh. Tăng cường quản lý hành lang ven biển để ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, xói lở bờ biển.

Để chủ trương ấy thành hiện thực, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận sẽ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố và thành lập một số phường, xã thuộc TP. Phan Thiết. 

Rà soát các nội dung cần lập điều chỉnh quy hoạch chung và quy chế quản lý kiến trúc TP. Phan Thiết, nhằm kiểm soát, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, làm cơ sở cấp phép xây dựng và triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố.

Mở rộng thành phố Phan Thiết, phát triển đô thị du lịch sinh thái hướng biển "xanh và bền vững" - Ảnh 5.

Không cấp phép xây dựng các công trình, dự án phía bờ biển, tạo đường bờ biển, bãi biển thông thoáng

Trong quá trình lập các quy hoạch trên, UBND thành phố Phan Thiết tiếp tục lồng ghép nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào các đồ án quy hoạch, xây dựng các tuyến đường ven biển để tăng cường kết nối liên thông giữa các vùng, miền và nội bộ từng địa phương. Qua đó, khai thác tiềm năng kinh tế biển một cách bền vững, hiệu quả. 

Không cấp phép xây dựng các công trình, dự án phía bờ biển và tiến tới giải phóng mặt bằng, tạo đường bờ biển, bãi biển thông thoáng (không có công trình, dự án) nhằm tăng cường khả năng tiếp cận biển cho người dân, doanh nghiệp cũng như xây dựng, chỉnh trang các đô thị biển ngày càng hiện đại, xanh, sạch, đẹp…

Đặc biệt, nên ưu tiên xây dựng các tuyến đường và cầu vượt cửa sông qua khu vực các phường Phú Hài, Thanh Hải, Phú Thủy, Hưng Long, Đức Thắng, Lạc Đạo, Đức Long và xã Tiến Thành. 

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và xử lý các vi phạm quản lý, sử dụng đất, nhất là lấn chiếm đất công cộng và các công trình xây dựng ven biển…


https://baochinhphu.vn/ - 19-09-2023

390 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL