Liên kết phát triển đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng kinh tế xanh

Việt Nam được chia thành 6 vùng kinh tế, một trong 6 vùng đó là Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng cực Nam của Việt Nam, còn được gọi là Vùng đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ, có 1 thành phố trực thuộc Trung ương và 12 tỉnh

Thành phố Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Long AnVĩnh Long. Tổng diện tích các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là 40.548,2 km² và tổng dân số của các tỉnh trong vùng là 17.330.900 người (2011). Đồng bằng sông Cửu Long là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông có vị trí nằm liền kề với vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Cămpuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông.


1. Quy hoạch xây dựng Vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 9/10/2009 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1581/QĐ-TTg với những nội dung chính như sau:

1.1. Phạm vi lập quy hoạch

Phạm vi lập quy hoạch Vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Diện tích tự nhiên khoảng 40.604,7 km2, đường biên giới với Cămpuchia khoảng 330 km, đường bờ biển dài trên 700 km và khoảng 360.000 km2 vùng biển thuộc chủ quyền.

Phạm vi nghiên cứu bao gồm cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu vực liên quan đến không gian phát triển kinh tế xã hội của vùng trong tầm nhìn hướng tới 2050.

1.2. Mục tiêu phát triển

Mười mục tiêu phát triển Vùng đồng bằng sông Cửu Long trong Quy hoạch xây dựng vùng là:

- Phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của Vùng theo mô hình đa cực tập trung kết hợp các hành lang kinh tế đô thị, với thành phố Cần Thơ là đô thị hạt nhân và trung tâm của vùng;

- Phát triển cấu trúc không gian toàn Vùng với hành lang kinh tế sông Tiền, sông Hậu, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cụm các đô thị trung tâm và các đô thị nhỏ được phân bố đều dựa trên các vùng nông nghiệp, công nghiệp và du lịch;

- Phát triển các đô thị mới có tính chất, chức năng dịch vụ phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại gắn với đặc thù từng vùng;

- Xây dựng hệ thống đô thị trên toàn Vùng, liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị trung tâm và các trục hành lang kinh tế đô thị;

- Phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tập trung chuyên môn hóa; hình thành các trục hành lang kinh tế công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực cho các tỉnh trong Vùng phát triển nhanh và bền vững;

- Phát triển các vùng du lịch, các trung tâm du lịch tầm quốc tế, quốc gia gắn với đặc trưng văn hóa, đô thị và cảnh quan tự nhiên;

- Phát triển cân bằng, hài hoà giữa đô thị và nông thôn;

- Hình thành hệ thống hạ tầng xã hội đa dạng và linh hoạt trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật gắn kết hệ thống dân cư, đô thị trên toàn vùng, kiểm soát môi trường chặt chẽ, có các đầu mối xử lý chất thải, nghĩa trang, nguồn nước sạch, năng lượng, kết hợp kiểm soát lũ tại vùng với các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng thay đổi bất thường của thiên nhiên đối với các đô thị ven biển, ven sông.

- Hình thành các chương trình, dự án chiến lược có sức lan tỏa và thúc đẩy sự phát triển vùng;

- Xây dựng khung thể chế bao gồm mô hình quản lý và kiểm soát phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan vùng có hiệu quả.

Vậy là các vấn đề về phát triển, liên kết phát triển, quản lý và kiểm soát phát triển đô thị và hệ thống đô thị trong Vùng đã được nêu rõ trong mục tiêu phát triển.

1.3. Tầm nhìn đến 2050

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 sẽ là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu; là vùng kinh tế phát triển năng động, bền vững, có môi trường đầu tư thuận lợi; có điều kiện và chất lượng sống đô thị và nông thôn cao; là trung tâm văn hoá - lịch sử và du lịch, dịch vụ ẩm thực lớn với các vùng nông - lâm và sinh thái đặc thù; có cảnh quan và môi trường tốt.

1.4. Các dự báo phát triển vùng

a) Về dân số

- Dự kiến dân số trong vùng đến năm 2020 khoảng 20-21 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 7,0-7,5 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 33-35%;

- Dự kiến dân số trong vùng đến năm 2050 khoảng 30-32 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 25-27 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40-50%.

b) Về đất xây dựng đô thị và công nghiệp

- Dự kiến quy mô đất đai xây dựng đô thị: khoảng 100.000-110.000 ha vào năm 2020, khoảng 320.000-350.000 ha vào năm 2050;

- Dự kiến quy mô đất đai công nghiệp tập trung khoảng 20.000-30.000 ha vào năm 2020, khoảng 40.000-50.000 ha vào năm 2050.

1.5. Mô hình phát triển vùng

Mô hình phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hình thức đa cực - tập trung kết hợp với các hành lang kinh tế.

1.6. Định hướng phát triển không gian

Cấu trúc không gian vùng gắn bó chặt chẽ với Vùng thành phố Hồ Chí Minh, biển Đông, biển Tây và biên giới Cămpuchia thông qua các trục Quốc lộ, tuyến cao tốc nối vùng trung tâm và các trung tâm tiểu
vùng, gồm:

- Cấu trúc không gian vùng đô thị và công nghiệp:

+ Vùng đô thị trung tâm với thành phố Cần Thơ là đô thị hạt nhân, kết nối với các thành phố: Cao Lãnh, Long Xuyên, Vĩnh Long và thị xã Sa Đéc.

+ Vùng đô thị Đông Bắc với thành phố Mỹ Tho là đô thị hạt nhân, kết nối với các thị xã: Gò Công, Tân An, Trà Vinh, thành phố Bến Tre và đô thị Tân Thạnh.

+ Vùng đô thị Tây Nam với thành phố Cà Mau là đô thị hạt nhân kết nối với thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, thị xã Bạc Liêu, thành phố Sóc Trăng, thị xã Vị Thanh.

- Kết nối theo các trục hành lang kinh tế đô thị:

+ Trục hành lang kinh tế đô thị theo đường thủy: sông Tiền, sông Hậu và tuyến giao thông thuỷ chính từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Cà Mau, từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cao Lãnh, Rạch Giá và Hà Tiên.

+ Trục hành lang kinh tế đô thị theo đường bộ: Quốc lộ 1A, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, Quốc lộ 50, tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, tuyến N1 ven biên giới với Cămpuchia; tuyến đường Đông Tây là các tuyến Quốc lộ dọc sông Tiền, sông Hậu (Quốc lộ 62, Quốc lộ 30, Quốc lộ 54, Quốc lộ 91, Quốc lộ 61…).

- Cấu trúc không gian vùng cảnh quan: gồm hệ thống sông Tiền, sông Hậu, vùng cảnh quan ngập mặn ven biển Tây và biển Đông; vùng sinh thái Đồng Tháp Mười, vùng rừng tự nhiên và biển đảo Phú Quốc, rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ…

1.7. Chương trình và dự án ưu tiên đầu tư

a) Các chương trình kết cấu hạ tầng tạo điều kiện phát triển toàn vùng.

- Phát triển các tuyến giao thông quốc gia trục dọc đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (N2), cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, Quốc lộ 50 - Quốc lộ 60, tuyến biên giới N1. Xây dựng các cặp công trình cầu vượt sông Tiền, sông Hậu trên tuyến.

- Phát triển (nâng cấp, xây dựng tiếp) các tuyến ngang Quốc lộ 62, Quốc lộ 30, Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, Quốc lộ 57 và các tuyến dọc sông Hậu Quốc lộ 91, cao tốc Cần Thơ - An Giang - Phnômpênh, Bạc Liêu - Kiên Giang.

- Phát triển các tuyến đường cao tốc liên kết vùng.

- Phát triển hệ thống đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ.

- Phát triển các tuyến đường tỉnh, đường đô thị liên kết với khung giao thông vùng.

- Phát triển giao thông công cộng nội tỉnh và liên tỉnh.

- Nâng cấp hệ thống giao thông thủy nội vùng, liên vùng, các tuyến ven biển.

- Nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng sông.

- Phát triển hoàn thành hệ thống sân bay.

- Phát triển cung cấp năng lượng diện rộng và các trung tâm cấp vùng.

- Phát triển hệ thống cấp nước và nhà máy nước cấp vùng.

b) Các chương trình nâng cao chất lượng sống bảo vệ môi trường

- Phát triển không gian đô thị vùng trung tâm với thành phố Cần Thơ là đô thị hạt nhân trung tâm vùng.

- Phát triển không gian đô thị các vùng đô thị Đông Bắc và Tây Nam.

- Phát triển các công trình dịch vụ công cộng cấp quốc tế, quốc gia và vùng.

- Các chương trình tổng thể nâng cấp đô thị.

- Các chương trình kiểm soát bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ nguồn nước.

- Các chương trình phát triển các vùng du lịch, các tuyến du lịch cảnh quan, sinh thái trong nước và quốc tế.

- Chương trình phát triển nhà ở cho vùng ngập lũ, người thu nhập thấp và các khu công nghiệp tập trung.

1.8. Tổ chức thực hiện Quy hoạch xây dựng Vùng ĐBSCL

Quyết định số 1581/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ:

- Giao Bộ Xây dựng tổ chức công bố Quy hoạch xây dựng Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức việc thực hiện quy hoạch đô thị theo các quy định của pháp luật hiện hành.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng tiến hành rà soát, điều chỉnh hoặc triển khai quy hoạch đô thị theo các nội dung của Quy hoạch xây dựng Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (09/10/2009). Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

1.9. Tồn tại trong liên kết phát triển đô thị Vùng ĐBSCL

Với Quyết định số 1581/QĐ-TTg vai trò của các cơ quan Trung ương và địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ rõ ràng trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch xây dựng Vùng ĐBSCL để chỉ đạo phát triển, liên kết phát triển và kiểm soát phát triển đô thị và hệ thống đô thị trong Vùng, đó là:

- Ở cấp Trung ương, Bộ Xây dựng là cơ quan thay mặt Chính phủ chỉ đạo thống nhất thực hiện, các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện.

- Ở cấp địa phương là Chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành phố trong Vùng ĐBSCL.

Ở các quốc gia phát triển, để kiểm soát liên kết phát triển đô thị Vùng có thể có: Cơ quan phát triển vùng, Hội đồng vùng... Ở Việt Nam để tổ chức thực hiện QHXD Vùng thủ đô Hà Nội, Thủ tướng đã cho thành lập Ban chỉ đạo QH và ĐTXD Vùng thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên đối với Vùng ĐBSCL, việc chỉ đạo phát triển, liên kết phát triển và kiểm soát phát triển đô thị và hệ thống đô thị trong Vùng còn chưa rõ nét và chưa thường xuyên. Và đó là tồn tại lớn nhất trong liên kết phát triển đô thị Vùng ĐBSCL.

2. Phát triển Vùng theo hướng Kinh tế xanh

Trước khi nói đến Kinh tế xanh chúng ta cần điểm qua hành trình phát triển với các định hướng Phát triển bền vững và Tăng trưởng xanh trong khoảng 4 thập niên qua.

2.1. Phát triển bền vững

Phát triển bền vững là một khái niệm mới được định nghĩa là sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai. Khái niệm này hiện đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa... riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất với quốc gia đó.

Thuật ngữ "phát triển bền vững" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong cuốn Chiến lược bảo tồn thế giới, được công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN, với nội dung sơ khởi là: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học".

Khái niệm này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 nhờ Báo cáo Brundtland (gọi là Our Common Future) của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới - WCED, nay là Ủy ban Brundtland. Báo cáo Brundtland nêu rõ: Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...". Vậy là để phát triển bền vững phải có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, nghĩa là phải phát triển hài hòa giữa 3 lĩnh vực: kinh tế - xã hội - môi trường.

2.2. Tăng trưởng xanh

Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế. Từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” với những nội dung chủ yếu sau đây:

2.2.1. Quan điểm

- Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

- Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

- Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

- Tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

- Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

2.2.2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao;

- Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu;

- Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp,
dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.

2.2.3. Nhiệm vụ chiến lược

Một nhiệm vụ chiến lược quan trọng là phải giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo những chỉ tiêu chủ yếu sau:

Giai đoạn 2011-2020: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1-1,5% mỗi năm. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện khoảng 10%, 10% còn lại mức phấn đấu khi có thêm hỗ trợ quốc tế.

Định hướng đến năm 2030: Giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5-2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20% đến 30% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện khoảng 20%, 10% còn lại là mức khi có thêm hỗ trợ quốc tế.

Định hướng đến năm 2050: Giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5-2%.

Ngoài ra còn các nhiệm vụ chiến lược khác như: Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để tạo thêm việc làm, nâng thu nhập, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên; Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững chủ yếu gồm: Hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi và các công trình xây dựng đô thị...

Một nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong liên kết phát triển đô thị là Đô thị hóa bền vững, với các nội dung chính sau đây:

a) Quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch

- Rà soát quy hoạch tổng thể các đô thị từ cách tiếp cận đô thị bền vững (đô thị xanh, sinh thái và kinh tế,...). với trọng tâm sử dụng và quản lý tài nguyên bền vững cho mọi người dân đến sinh sống và điều chỉnh quy hoạch tổng thể để đến năm 2020 các đô thị đạt mức trung bình trở lên của hệ thống chỉ số đô thị xanh, có quy mô hợp lý tránh tình trạng tập trung dân số quá mức tải trọng của môi trường và hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Quy hoạch không gian đô thị đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại của dân cư.

b) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật

- Hạ tầng cơ bản: Nhà ở, giao thông, năng lượng, cấp, thoát nước và xử lý rác thải đảm bảo khả năng tiếp cận cho mọi người dân với chất lượng chấp nhận được, đồng thời giảm các chi phí do ô nhiễm, ùn tắc giao thông.

- Quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước mưa, hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nước thải đô thị. Những khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu cần điều chỉnh để hạ tầng thích ứng để giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Từng bước triển khai xây dựng các hệ thống này tại các đô thị loại II trở lên.

- Giới thiệu áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả năng lượng và hạ tầng đô thị xanh để nâng cao mức tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính cho các khu đô thị.

c) Xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh

Ở đây chúng ta cần lưu ý định nghĩa mới nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất về Đô thị sinh thái:

Đô thị sinh thái là đô thị cải thiện phúc lợi cho con người và cho xã hội thông qua quy hoạch và quản lý đô thị tích hợp nhằm hài hòa lợi ích từ các hệ sinh thái, bảo vệ và nuôi dưỡng các tài sản đó cho các thế hệ tương lai (Các thành phố Eco2 - Ngân hàng Thế giới 2010).

Để xây dựng đô thị xanh, sinh thái, công trình xanh, cần phải:

- Nghiên cứu, ban hành hệ thống tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế, sử dụng vật liệu, giải pháp xây dựng xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải đô thị.

- Ban hành quy định buộc chủ đầu tư ứng dụng những công nghệ xanh phổ biến khi xây dựng các tòa nhà thương mại mới và cải tạo các khu chung cư hiện có ở đô thị.

- Áp dụng các công cụ kinh tế và kỹ thuật khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ cho xây dựng và sử dụng các công trình xây dựng xanh.

d) Giao thông đô thị

- Đầu tư cải tạo và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị nhằm đạt tới mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực.

- Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đầu tư phương tiện, khai thác vận tải hành khách công cộng.

- Sử dụng công cụ kinh tế và tiêu chuẩn kỹ thuật kiểm soát sự phát triển số lượng phương tiện cơ giới cá nhân ở các đô thị lớn và vừa, bố trí các tuyến đường dành riêng cho các phương tiện giao thông phi cơ giới.

đ) Xanh hóa cảnh quan đô thị

- Ưu tiên phân bổ đất công để nhanh chóng nâng cao diện tích không gian xanh và mặt nước ở các đô thị, đạt tiêu chuẩn theo loại đô thị.

- Khuyến khích đầu tư và phát triển các khoảng không gian xanh trong các dự án đô thị và khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp và các hộ gia đình huy động nguồn lực để xanh hóa cảnh quan đô thị.

e) Một số chỉ tiêu cụ thể

Những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 gồm: Tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định: 60%, với đô thị loại IV, loại V và các làng nghề: 40%, cải thiện môi trường khu vực bị ô nhiễm nặng 100%, tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý hợp tiêu chuẩn theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg, diện tích cây xanh đạt tương ứng tiêu chuẩn đô thị, tỷ trọng dịch vụ vận tải công cộng ở đô thị lớn và vừa 35-45%, tỷ lệ đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh phấn đấu đạt 50%.

2.3. Kinh tế xanh

Nền Kinh tế xanh là nền kinh tế tạo ra, phân phối sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo, giao thông và nhiên liệu sạch và công trình xanh, giảm mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nước thông qua chiến lược hiệu quả năng lượng và tài nguyên và chuyển đổi từ các cấu phần các-bon sang không các-bon (OECD).

Kinh tế xanh được UNEP định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.

Nền Kinh tế xanh được đặc trưng bởi sự tăng trưởng bền vững của các hợp phần kinh tế có khả năng duy trì và gia tăng nguồn vốn tự nhiên của trái đất.

Các hợp phần này bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông ít phát thải carbon, công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nông-lâm-ngư nghiệp bền vững...

Tóm lại Kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Kinh tế xanh không thay thế phát triển bền vững mà là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Mỹ, Đức, Hàn Quốc... đã đầu tư hàng trăm tỷ USD cho chính sách Kinh tế xanh, coi đó là sự đầu tư tốt nhất đối với phát triển bền vững của quốc gia, vừa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và tạo việc làm.

2.4. Tồn tại trong Phát triển vùng theo định hướng Kinh tế xanh

Quy hoạch xây dựng vùng, công cụ quan trọng để phát triển vùng, đã được thực hiện ở Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua, song Kinh tế xanh lại là khái niệm rất mới, xuất hiện từ thập niên đầu của thế kỷ 21.

Vì vậy tồn tại lớn nhất trong phát triển vùng là hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn... liên quan đến QHXD vùng và phát triển vùng chưa được cập nhật và ban hành kịp thời với các văn bản về Kinh tế xanh, Tăng trưởng xanh, Phát triển bền vững.

Và đã không ban hành đồng thời, kịp thời với các văn bản về Kinh tế xanh, Tăng trưởng xanh, Phát triển bền vững thì chưa thể có Phát triển vùng theo hướng Kinh tế xanh được. Đó là tồn tại lớn nhất của nội dung này.

3. Các đề xuất liên kết phát triển đô thị Vùng ĐBSCL theo hướng Kinh tế xanh

Để liên kết phát triển đô thị Vùng ĐBSCL theo hướng Kinh tế xanh tác giả bài viết này xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

Một là, để thực hiện tốt Quyết định số 1581/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QHXD Vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, nhằm khắc phục tồn tại đang thiếu sự liên kết phát triển đô thị và hệ thống đô thị Vùng ĐBSCL đã được phân tích trong mục 1.9 của bài viết này, Bộ Xây dựng cần sớm trình Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo QH và ĐTXD Vùng ĐBSCL để thống nhất chỉ đạo, quản lý và kiểm soát phát triển đô thị và hệ thống đô thị Vùng ĐBSCL theo quy hoạch được duyệt.

Hai là, hiện đang tồn tại khá nhiều mô hình phát triển đô thị trên thế giới và ở Việt Nam với những định nghĩa đã khá rõ ràng hoặc còn đang rất mới mẻ như: Đô thị phát triển bền vững, Đô thị xanh, Đô thị sinh thái, Đô thị kinh tế và sinh thái (ECO2 City, WB 2010)... Đâu là mô hình đô thị mà Việt Nam sẽ hướng tới? Tiêu chuẩn, tiêu chí của các đô thị này là gì? Nó có trùng lặp với nhau hay là khác nhau mà đến nay các đề tài NCKH tuy đã có nhiều, song các văn bản pháp quy về QHĐT và PTĐT chưa đề cập nhiều đến các loại đô thị này, chưa có định nghĩa rõ ràng và cũng chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể.

Đề nghị Bộ Xây dựng - cơ quan quản lý Nhà nước về QHXD và PTĐT sớm rà soát các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn... có liên quan đến QHĐT và PTĐT để ban hành kịp thời các định nghĩa, tiêu chuẩn, tiêu chí của các loại đô thị mà Việt Nam sẽ hướng tới: Đô thị phát triển bền vững, Đô thị sinh thái, Đô thị xanh, Đô thị kinh tế-sinh thái..., đồng thời chú ý đến các tiêu chuẩn, tiêu chí về Phát triển bền vững, Tăng trưởng xanh, Kinh tế xanh... đảm bảo đồng bộ.



Tài liệu tham khảo:

[1] Quyết định 1561/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 - 9/10/2009.

[2] Quyết định 1393/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - 25/9/2012.

[3] Đồng bằng sông Cửu Long - Wikipedia, 2013.

[4] Phát triển bền vững - Wikipedia, 2013.

[5] Giới thiệu kinh tế xanh - Wikipedia, 2013.

[6] ĐBSCL: Liên kết vùng còn thiếu tự giác - Wikipedia, 2013



PGS. TS. Lưu Đức Hải
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng
Tổng hội Xây dựng Việt Nam

(Bài tham luận Hội thảo Liên kết phát triển đô thị Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng kinh tế xanh)


24-12-2013

388 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL