Hoàn thiện đề án phát triển đô thị và kinh tế đô thị

Sáng ngày 17/6, tại Hà Nội, đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì phiên họp với Thường trực Tổ Biên tập Đề án "Đô thị hoá, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án để Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị ban hành lần đầu tiên Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Đô thị hóa gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ đô thị hóa cả nước xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng nhanh từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 2020; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đã hình thành một số cực tăng trưởng chủ đạo tại các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại, hạ tầng xã hội đô thị được đa dạng hóa, tăng quy mô, cải thiện chất lượng phục vụ…

Hoàn thiện đề án phát triển đô thị và kinh tế đô thị
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì phiên họp

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa chưa đồng bộ và gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Hệ thống hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, tính liên kết còn yếu, chưa bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn…

Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%. Báo cáo chính trị của Đại hội cũng xác định nhiệm vụ: Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển từng vùng và địa phương; tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương.

Để thực hiện mục tiêu và triển khai các chủ trương về đô thị hóa, phát triển đô thị, kinh tế đô thị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao Ban kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương thực hiện Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng chí Trần Tuấn Anh được phân công là Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Tổ biên tập Đề án, đồng chí Trần Tuấn Anh quán triệt các nội dung Đề án cần tiếp tục được hoàn thiện, trong đó lưu ý bám sát chủ trương, định hướng lớn về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nêu trong các văn kiện của Đại hội đảng lần thứ XIII và tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Đề án cần tập trung làm rõ yêu cầu đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị, đề xuất được cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý, xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.

Về phát triển đô thị, cần có nhiệm vụ, giải pháp xây dựng các đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển; tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.

Đề án dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị vào cuối tháng 7/2021. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Một số chủ trương, chính sách về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

 Thanh Tâm 

Nguồn: https://congthuong.vn/


Nguồn : https://baochinhphu.vn/ - 17-06-2021

1279 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL