Chiến thắng Điện Biên Phủ: Từ góc nhìn văn hóa quân sự

TCCSĐT - Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) của quân và dân ta. Chiến thắng đó không chỉ là về quân sự, tài thao lược của nghệ thuật quân sự mà còn là kết quả từ tầng sâu văn hóa của một dân tộc có truyền thống hàng nghìn năm văn hiến và tầm cao trí tuệ.

 

Cách đây 65 năm, dân tộc ta làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược Đông Dương của quân đội viễn chinh Pháp và sự can thiệp Mỹ, đưa cuộc kháng chiến kéo dài suốt 9 năm của nhân dân ta đi đến thắng lợi vẻ vang. Có nhiều công trình, đề tài khoa học nghiên cứu, tổng kết lịch sử, tổng kết chiến tranh được thực hiện nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ với nhiều phương diện tiếp cận khác nhau, trong đó tiếp cận từ phương diện văn hóa quân sự là một trong những cách lý giải thấu đáo về tầm vóc lớn lao của chiến thắng này.

Sức mạnh văn hóa - nhân tố cốt lõi của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, chúng ta có thể thấy đánh giặc bằng sức mạnh văn hóa là nét độc đáo có một không hai trên thế giới của dân tộc ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngoài thắng lợi của đường lối chỉ đạo chiến lược, về tổ chức hoạt động quân sự, tài thao lược của nghệ thuật quân sự thì vấn đề cơ bản, cốt lõi là từ sức mạnh văn hóa dân tộc. Sức mạnh văn hóa ấy được kế thừa từ truyền thống văn hóa quân sự rất phong phú của dân tộc, tồn tại như một dòng chảy liên tục từ truyền thống tới hiện đại. Những quan điểm, tư tưởng, triết lý quân sự, triết lý giữ nước của dân tộc ta được đúc kết trong lịch sử, như “phải giữ nước từ khi nước chưa nguy”, “khoan thư sức dân, sâu rễ bền gốc”, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”… thể hiện rõ sức mạnh văn hóa dân tộc trong chiến tranh. Đến thời đại Hồ Chí Minh, sức mạnh văn hóa tiếp tục được nhân lên với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”… phản ánh giá trị văn hóa và sức mạnh văn hóa dân tộc rất sâu sắc. Những giá trị đó đã trở thành chuẩn mực, truyền thống và phẩm chất của người Việt Nam, là nhân tố quan trọng xây dựng bản lĩnh và nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”, tạo nên bản sắc quân sự độc đáo của quân đội ta.

Tiếp nối truyền thống đánh giặc của dân tộc, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với chiến thắng Điện Biên Phủ là hội tụ, kết tinh toàn bộ giá trị, những nhân tố tạo nên sức mạnh văn hóa dân tộc Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, vai trò sức mạnh văn hóa dân tộc Việt Nam vô cùng to lớn. Chúng ta đã huy động được tối đa những tiềm năng sức mạnh vật chất và tinh thần; huy động sức người, sức của, thực hiện “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”; kế thừa và phát huy cao độ truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng căm thù giặc, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm chiến đấu thắng lợi; kế thừa nghệ thuật quân sự đánh giặc độc đáo, sáng tạo, mang đậm bản sắc dân tộc, hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới. Chính những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là nền tảng vững chắc, là động lực chính trị, tinh thần - một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để quân và dân ta giành thắng lợi trong chiến dịch.

Những giá trị văn hóa từ di sản “Chiến thắng Điện Biên Phủ”

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đốt phá thành trì hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, là niềm hy vọng tương lai tươi sáng, cổ vũ cho các dân tộc thuộc địa trên thế giới đứng lên đấu tranh đập tan chế độ thực dân, giành lại độc lập, tự do và nhân phẩm. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”(1). Bởi vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ được coi là một di sản văn hóa quân sự tiêu biểu của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh và được biểu hiện ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, là biểu hiện cao đẹp của tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu hiện cao đẹp của tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của dân tộc ta. Đó là một động lực tinh thần to lớn trong hoạt động quân sự của quân và dân ta, biểu hiện ở lòng căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm chiến đấu tới cùng, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ để giành thắng lợi. Trong thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi các cấp ủy và cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 11-5-1954, nêu rõ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng rất lớn của quân và dân ta từ trước đến nay,… Bộ đội trên Mặt trận Điện Biên Phủ đã quyết tâm tiêu diệt địch, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu. Bộ đội và dân quân du kích trên chiến trường toàn quốc đã liên tục hoạt động phối hợp. Cán bộ và chiến sĩ trong và ngoài Đảng đã trên dưới một lòng hoàn thành nhiệm vụ. Nhân dân đã tích cực tham gia kháng chiến, hăng hái phục vụ tiền tuyến, đi dân công”(2).

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở khối liên minh công - nông trở thành “vũ khí” mạnh nhất của nhân dân ta; bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Đó chính là thắng lợi của lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng, đức hy sinh, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang Việt Nam trước những thử thách khắc nghiệt, tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng quân xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung son sắt giữa quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương, sự đoàn kết, giúp đỡ to lớn của các nước anh em, bạn bè quốc tế.

Năm 1993, khi sang thăm Việt Nam, đến thăm lại chiến trường cũ Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp M. Bigeard, nguyên Trung tá, Phó chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói với một nhà quay phim nước ngoài: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”. Còn Tướng Christian de Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp về thất bại Điện Biên Phủ năm 1954 rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.

Thứ hai, là cột mốc đánh dấu sự sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.

Chiến thắng Điện Biên phủ là phát khai hỏa dữ dội làm rung chuyển địa cầu, đánh sập thành trì chủ nghĩa thực dân nơi xung yếu nhất, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do, độc lập, quyền sống làm người. Đó còn là chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, vì hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Pháp. Chiến thắng vĩ đại này chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa mà những người Pháp tiến bộ, yêu hòa bình, tự do, công lý tiêu biểu như Henri Martin, Raymonde Dien từng lên án và đấu tranh đòi chính phủ Pháp phải đơn phương chấm dứt từ mấy năm trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”(3).

“Ngọn lửa Điện Biên Phủ” với sức lan tỏa mãnh liệt đã thổi bùng phong trào cách mạng đang âm ỉ, thức tỉnh ý thức nhân dân sống dưới ách thống trị của thực dân cũ và mới vùng dậy đấu tranh, trở thành chất xúc tác gắn kết phong trào thành một khối vững chắc, là khởi nguồn tạo nên dòng thác khổng lồ cuốn trôi từng mảng lớn hệ thống thuộc địa đang rạn nứt của chủ nghĩa thực dân. Sự kiện Điện Biên Phủ đã thay đổi dòng chảy lịch sử, góp phần hình thành nên một cục diện mới ở khu vực châu Á, châu Phi. Được Chiến thắng Điện Biên Phủ cổ vũ, các khu vực thuộc địa châu Phi cùng đồng loạt nổi dậy. Chỉ ba tháng sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân Algérie, thuộc địa lớn nhất của Pháp đã nổi dậy đòi độc lập. Khi nói về thắng lợi này, Abdelkader Bensalah - Chủ tịch Thượng viện Algérie cho rằng: “Việt Nam là nguồn cảm hứng lớn. Cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam đã thôi thúc chúng tôi đi đến cùng trong cuộc kháng chiến giành độc lập. Việt Nam là biểu tượng của tự do và lòng dũng cảm. Chiến thắng Điện Biên Phủ trả lời cho chúng tôi câu hỏi, nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân, thì tại sao Algérie lại không thể”. Như một phản ứng dây chuyền, các thuộc địa khác của Pháp ở châu Phi như: Morocco, Sudan, Ghana, Guinea, Madagascar, Cameroon… vùng lên mạnh mẽ phá tung xiềng xích nô lệ, buộc thực dân Pháp phải trao trả nền độc lập. Chỉ riêng trong năm 1960 đã có 17 nước châu Phi giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp buộc phải trao trả quyền độc lập cho tất cả các nước thuộc địa của Pháp.

Điện Biên Phủ là “mồi thuốc dẫn” cho sự bùng nổ của phong trào giải phóng dân tộc với các quốc gia khu vực Mỹ Latinh, tiếp thêm sức mạnh cho họ đứng lên chống lại chế độ độc tài thân Mỹ, đấu tranh đòi thành lập các chính phủ tiến bộ. Các cuộc khởi nghĩa vũ trang diễn ra liên tục, mạnh mẽ, tạo thêm nhiều “Điện Biên Phủ của châu Mỹ Latinh”. Bằng các hình thức đấu tranh đa dạng, nhiều nước như Bolivia, Venezuela, Colombia, Peru… đã lật đổ chính quyền độc tài phản động, thành lập chính phủ dân tộc, dân chủ, giành lại quyền tự quyết dân tộc.

Thứ ba, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, bước trưởng thành tác chiến vượt bậc của quân đội ta.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, là một chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Điện Biên Phủ đã được Pháp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm, với sự đầu tư xây dựng, trang bị hiện đại và được các chuyên gia quân sự Pháp, Mỹ đánh giá là “pháo đài bất khả xâm phạm”, “mồ chôn của Việt Minh”. Nhưng chúng đã nhầm, chính “pháo đài” đó đã trở thành mồ chôn chính chúng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là trận quyết chiến thể hiện bước trưởng thành vượt bậc về tác chiến của quân đội ta. Quyết tâm chuyển đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định lịch sử đúng đắn, sáng tạo, một minh chứng về tài quân sự, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và lòng dũng cảm của vị Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như sự đồng lòng của toàn dân ta. Việc điều chỉnh phương châm tác chiến này kéo theo việc chuẩn bị lại chiến dịch với muôn vàn khó khăn, từ thế trận bố trí lực lượng đến nhu cầu hậu cần tăng lên gấp nhiều lần, song Quân đội nhân dân Việt Nam quyết tâm thực hiện và đã thực hiện thành công với một nỗ lực rất lớn.

Sau chiến tranh, khi tổng kết, nghiên cứu về Chiến dịch Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu của hai bên đều thống nhất cho rằng, một nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tại chiến dịch này là cách đánh sáng tạo, tổ chức tốt lực lượng, thế trận, sự trưởng thành vượt bậc của tác chiến tiến công hiệp đồng binh chủng và huy động được rất lớn sức người để bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, một việc mà Pháp cho rằng không thể giải quyết được. Chỉ thị của Ban Bí thư ngày 11-5-1954 về việc tổ chức cuộc tuyên truyền, động viên mở rộng thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định: “Thắng lợi này chứng tỏ quân ta đã tiến một bước vượt bậc về mặt chiến thuật, kỹ thuật, chỉ huy tác chiến và xây dựng quân đội vì trận Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay đã kết thúc bằng sự toàn thắng của ta”(4). Trong cuốn hồi ký “L'Agonie de L'Indochine” (“Đông Dương hấp hối”), một tác phẩm phân tích nguyên nhân thất bại của Pháp tại Đông Dương, tác giả H. Navarre khẳng định: “Nếu Tướng Giáp tiến công vào khoảng 25 tháng 1 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó và đây là một trong những lý do khiến ông tạm ngưng tiến công”.

Khơi nguồn sức mạnh văn hóa từ Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Chiến thắng Điện Biên Phủ” chứa đựng những giá trị văn hóa vô cùng cao đẹp, sẽ mãi trường tồn trên con đường đi đến tương lai tươi sáng của dân tộc, bởi sự tiếp nối và phát huy không ngừng của nhiều thế hệ. Mỗi người dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang cần xác định cho mình trách nhiệm tôn vinh và tiếp nối truyền thống Điện Biên Phủ bằng những suy nghĩ, thái độ, động cơ và hành vi cụ thể để làm cho giá trị văn hóa dân tộc không ngừng được làm giàu trong tình hình mới.

Noi gương các thế hệ cha anh, các thế hệ hôm nay với tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, hướng tới những chiến thắng tầm vóc trong sự nghiệp đổi mới đất nước ở các lĩnh vực kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục hay bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,… Trong điều kiện hiện nay, để có được những chiến thắng tầm vóc đó, chúng ta phải hội tụ được sức mạnh có tính tổng hợp và cơ bản, đó là sức mạnh từ văn hóa dân tộc có tính đặc sắc Việt Nam, “văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Đối với cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” một cách thiết thực, hiệu quả sẽ góp phần khơi dậy sức mạnh văn hóa dân tộc, làm sống lại những hình ảnh cao đẹp của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong điều kiện mới. Khơi dậy những đức tính hy sinh, lòng dũng cảm của “Bộ đội Cụ Hồ” ở Chiến dịch Điện Biên Phủ để tiếp tục hun đúc, phát triển tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Mỗi hành động anh dũng trong giúp dân chống thiên tai, giải phóng những mảnh đất đang còn bom mìn, vật nổ, phục vụ cho phát triển kinh tế, quốc kế dân sinh đang tỏa sáng những giá trị văn hóa trong tình hình mới. Tinh thần, sức mạnh văn hóa dân tộc trong Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục tôi luyện các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vươn tới những đỉnh cao trí tuệ của thời đại, nắm bắt khoa học - công nghệ hiện đại, làm chủ vũ khí công nghệ cao,… để góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ./.

-----------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 410
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1997, t. 15, tr. 97
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 315
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1997, t. 15, tr. 100


https://dangcongsan.vn/ - 23-02-2024

604 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL