Hội thảo chuyên đề “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam”
Ngày 16/11/2022, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam”. Đây là 1 trong chuỗi 3 phiên hội thảo chuyên đề được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, hưởng ứng Ngày Đô thị Việt Nam 8/11.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng –Trưởng Ban tổ chức hội thảo
Tham dự hội thảo có Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Trưởng Ban tổ chức, bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, các hội, hiệp hội chuyên ngành, đại diện doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Phương Thủy cho biết, phát triển đô thị hiện đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cả nước, với trên 70% GDP tới từ các khu vực đô thị. Đến tháng 9/2022, bình quân tỷ lệ đô thị hóa cả nước xấp xỉ 41,5%; không gian đô thị ngày càng được mở rộng, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao.
Đạt được những kết quả trên, một phần quan trọng nhờ cơ chế chính sách về quy hoạch, phát triển đô thị ngày càng được hoàn thiện về chất lượng. Nhiều luật có liên quan tới công tác quản lý phát triển đô thị cùng với hệ thống các văn bản dưới luật được ban hành đã thể chế hóa kịp thời chủ trương quan điểm chỉ đạo của Đảng và tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về phát triển đô thị vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn nhất là về quy hoạch, phân loại đô thị, cơ chế tài chính, đầu tư hạ tầng, mô hình chính quyền đô thị, mô hình liên kết và quản trị vùng đô thị. Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển…
Theo bà Nguyễn Phương Thủy, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 06/NQ-TW chính là những bước đầu tiên, có tính định hướng quan trọng trong thời gian tới. Cần nhận thức đúng, đầy đủ về các nội dung chỉ đạo, định hướng này và tiếp tục xác định các nhiệm vụ, giải pháp, cách thức tổ chức, các công việc cụ thể cần triển khai để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra.
Ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW đồng thời cho biết, một trong những nhóm giải pháp quan trọng, có tính đột phá được xác định trong Nghị quyết này là hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Hội thảo lần này là dịp để các Bộ, ngành, địa phương, nhất là những người trực tiếp làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị quán triệt sâu sắc, toàn diện chủ trương, quan điểm và nội dung của Nghị quyết 06/NQ-TW, qua đó nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về vai trò, vị trí quan trọng của công tác xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị.
Các diễn giả, chuyên gia cùng thảo luận tại hội thảo
Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia và đại biểu khách mời cùng thảo luận nhiều nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, các vấn đề thiết thực như: thực trạng và yêu cầu đổi mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá; kinh nghiệm quốc tế về phát triển đô thị; các loại hình đô thị mới như đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh… từ đó đúc rút những giải pháp phù hợp cho phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn tới.
Toàn cảnh hội thảo
17-11-2022