Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết phát triển đô thị theo hướng kinh tế xanh

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long, ngày 25/11, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT phối hợp với Ban chỉ đạo Miền Tây Nam Bộ tổ chức hội thảo “Liên kết phát triển đô thị Vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh”.



Hệ thống đô thị phát triển năng động

Ông Dương Quốc Xuân - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ kỳ vọng các nhà quản lý, các nhà khoa học cũng như DN tập trung thảo luận để xác định rõ ràng những việc cần làm ngay, về cơ chế, hình thức, lĩnh vực liên kết, các giải pháp thực hiện và những định hướng mang tầm chiến lược để có thể định hình được hướng kinh tế xanh lâu dài cho vùng ĐBSCL

ĐBSCL có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Đây không chỉ là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất nước, hàng năm sản xuất khoảng 50% lượng lúa, cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, đóng góp khoảng 90% số lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước... mà còn là vùng văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển.

Những yếu tố đặc sắc vùng, miền đó cùng với các yêu cầu về phát triển kinh tế, hội nhập và thách thức về biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng đang đặt ra nhiều yêu cầu trong phát triển hệ thống đô thị vùng ĐBSCL.

Nhận định về sự phát triển hệ thống đô thị trong vùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Khu vực ĐBSCL đã được xác định là một trong 6 vùng đô thị hóa cơ bản của cả nước. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010, kinh tế các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL phát triển nhanh.

Công tác phát triển đô thị của vùng cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực. Đến nay, toàn vùng đã có 158 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương, 3 đô thị loại II, 12 đô thị loại III, 15 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Hệ thống đô thị phân bố theo các hành lang dọc hệ thống sông chính và các trục giao thông quan trọng của Vùng…

Thứ trưởng nhấn mạnh, các đô thị vùng ĐBSCL đã có nhiều thay đổi, diện mạo, kiến trúc cảnh quan đã và đang không ngừng thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc. Một số di sản văn hóa, các lễ hội văn hóa đặc trưng và các công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu đã được đầu tư, khai thác và bảo tồn làm tăng thêm giá trị và sự hấp dẫn của các đô thị…

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định số 1581/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, bước đầu BĐSCL đã hình thành các vùng và hành lang phát triển không gian theo quy hoạch.

Các Vùng đô thị trung tâm (đô thị hạt nhân là TP Cần Thơ với các đô thị vệ tinh độc lập là TP Long Xuyên, Cao Lãnh và Vĩnh Long), Vùng phụ cận ( bao gồm các đô thị Ô Môn, Cái Răng, Bình Minh thuộc TP Cần Thơ; An Châu, Phú Hội thuộc TP Long Xuyên; An Hữu, Cái Tàu Hạ thuộc tỉnh Vĩnh Long; Mỹ Thọ và Thanh Bình thuộc tỉnh Đồng Tháp), Vùng đối trọng ( với các đô thị tỉnh lỵ Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Vị Thanh, Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Bến Tre và đô thị Tân Thạnh) đã hình thành.

Đồng thời, các hành lang phát triển không gian đô thị đã được xác lập như hành lang Tây sông Hậu, hành lang Tây sông Tiền và sông Cổ Chiên, hành lang Đông sông Tiền, hành lang đô thị ven biển Đông, hành lang ven biển Tây, hành lang Quốc lộ 1 từ TP.HCM tới Cà Mau.

Nhiều chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung cấp vùng được triển khai thực hiện. Các dự án hạ tầng giao thông cấp vùng, hệ thống giao thông huyết mạch, trục dọc và ngang, cầu vượt sông lớn được đầu tư, hình thành mạng lưới giao thông rộng khắp, vừa liên kết nội vùng, vừa liên kết với TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Các dự án đầu tư xây dựng cấp nước, xử lý chất thải rắn liên vùng đang được triển khai nghiên cứu. Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL do Bộ Xây dựng điều phối chung cũng đã được triển khai tại 6 tỉnh trong vùng theo Quyết định 758/QĐ-TTg của Chính phủ, tập trung nâng cấp điều kiện cơ sở hạ tầng các khu nghèo đô thị.

Chủ động liên kết và phối hợp hành động

Bên cạnh những thành quả đạt được, hệ thống đô thị ĐBSCL cũng đang đối mặt với nhiều thách thức cần được tiếp cận, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khoa học, toàn diện…

Trước những thách thức, nguy cơ đã và đang đặt ra với khu vực ĐBSCL, cũng như nhằm phát huy vai trò, tiềm năng của vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị Công tác phát triển đô thị của vùng cần đáp ứng các định hướng, tầm nhìn mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Theo đó cần tập trung vào 6 vấn đề: Thứ nhất, vùng cần tiếp tục kiên trì nguyên tắc xuyên suốt là quản lý và phát triển đô thị phải phù hợp quy hoạch đô thị; phát triển đô thị đảm bảo theo kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng khu vực phát triển đô thị được xác định.

Thứ hai, ĐBSCL xác định mô hình phát triển đô thị mới, hiện đại, đáp ứng phát triển bền vững của vùng; tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, rà soát, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch chung xây dựng các đô thị, các khu chức năng đặc thù, các khu vực dân cư tập trung theo hướng khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về vị trí điều kiện tự nhiên các vùng và các đô thị trong Vùng, đồng thời phải lồng ghép nội dung thích ứng BĐKH đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong vùng.

Thứ ba, vùng nghiên cứu áp dụng các mô hình mới, các tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới trong phát triển đô thị đi đôi với khai thác và phát huy các kinh nghiệm truyền thống về ứng phó với biến đổi của điều kiện tự nhiên.

Thứ tư, phát triển đô thị bền vững về môi trường đất, các mô hình đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng, có hàm lượng cacbon thấp, sử dụng năng lượng…, giảm khí thải, rác thải.

Thứ năm, chú trọng nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực xây dựng và phát triển đô thị đi đôi với cải cách thủ tục hành chính nhằm giải phóng các tiềm năng của đô thị; phát huy sự sáng tạo, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, tạo nên sự cân bằng trong nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế địa phương.

Thứ sáu, thay đổi và điều chỉnh trong xây dựng và phát triển đô thị để thích ứng với BĐKH.

“Việc chủ động liên kết và phối hợp hành động mới có thể hạn chế xuống mức thấp nhất những tác động bất lợi, nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó và tạo nên cơ hội tăng trưởng chung cho toàn vùng” – Thứ trưởng nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, để đạt được các mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đề ra, khu vực ĐBSCL cần hết sức nỗ lực xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức đang phải đối mặt.

Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng cần phải xây dựng được các định hướng, giải pháp về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường phù hợp với đặc thù của khu vực. Các định hướng phát triển cần tập trung vào các vấn đề như khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường tại các đô thị vùng ĐBSCL; Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước…

Quý Anh – Mai Thanh (http://www.baoxaydung.com.vn)


28-11-2013

275 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL