Xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Ngày 4/9, tại Hà Nội, Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) phối hợp với Quỹ Rockefeller, Quỹ Châu Á, Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội phối hợp tổ chức hội thảo giới thiệu Dự án Xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam (Dự án VN-CPI).

Trước đó, ngày 31/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2623/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 - 2020. Theo Quyết định này, Bộ Xây dựng được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP triển khai thực hiện Đề án.L Anh 2.jpg

Triển khai nhiệm vụ trên, Bộ Xây dựng đã giao Cục Phát triển Đô thị là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Đề án. Căn cứ các nhiệm vụ của Đề án và để tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nghiên cứu khoa học, Cục Phát triển Đô thị phối hợp với Quỹ Rockefeller, Quỹ Châu Á (TAF), Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET) triển khai Dự án VN-CRI, trong thời gian từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2016.

Dự án sẽ xây dựng bộ chỉ số và thống nhất bảng ma trận để thử nghiệm ở 5 TP là Lào Cai, Uông Bí, Hội An, Gia Nghĩa, Cà Mau. Tiếp đó, dự án nhân rộng áp dụng bộ chỉ số tại các TP được xác định trong Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 - 2020. Sau cùng, dự án sẽ xây dựng các khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị và đóng vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng.

Đề cập đến khái niệm khả năng chống chịu của đô thị, ông Trần Văn Giải Phóng (Viện ISET) cho rằng, đó là khả năng của các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, DN và các hệ thống của một đô thị để tồn tại, thích ứng và phát triển, với những áp lực cố hữu và các cú sốc đột biến khác nhau. Khả năng chống chịu của TP gồm 4 khía cạnh là sức khỏe và phúc lợi; kinh tế và xã hội; hạ tầng và môi trường; sự lãnh đạo và chính sách. Khung khả năng chống chịu của TP gồm 12 yếu tố thúc đẩy, tổng hợp lại để quy định khả năng chống chịu của TP trước một loạt cú sốc và áp lực. Mỗi yếu tốt này lại được tạo bởi 3-6 chỉ số…

Đóng góp cho việc triển khai dự án, nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo cho rằng đây là công việc khó, đề cập đến nhiều chỉ số khác nhau, liên quan đến nhiều khía cạnh. Bên cạnh các chỉ số chung cho các đô thị thì bộ chỉ số cũng phải có những chỉ số riêng, phù hợp với yếu tố đặc thù từng vùng, miền, khu vực đô thị.Ma Minh.jpg

Đơn cử như tỉnh Cà Mau, nếu TP Cà Mau được coi là nội địa, thì đô thị Năm Căn lại chịu ảnh hưởng triều biển Đông, trong khi đô thị Sông Đốc lại chịu ảnh hưởng của triều biển Tây. Các yếu tố đặc thù này sẽ tác động khác nhau lên từng đô thị, do vậy bộ chỉ số cũng phải có những chỉ số phù hợp.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Michael Digregorio (Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam) cho biết: Dự án lựa chọn các TP thí điểm dựa trên sự khác biệt của các TP đó. Việc xây dựng bộ chỉ số cũng sẽ được thực hiện theo nguyên tắc vừa đồng nhất cho các đô thị, vừa có những chỉ số riêng biệt cho TP đặc thù. Bộ chỉ số hữu ích trong việc so sánh các TP với nhau đồng thời giúp gia tăng khả năng chống chịu của từng TP.

Cũng theo TS. Michael Digregorio, hiện nay có nhiều bộ chỉ số khách nhau liên quan đến phát triển đô thị, do vậy dự án sẽ cố gắng chia sẻ thông tin càng nhiều càng tốt với các dự án khác đang triển khai.

TS Michael Digregorio thừa nhận: Việc xây dựng chỉ số vô cùng khó khăn. Những hiểu biết của chúng tôi vào thời điểm này khác với những hiểu biết của chúng tôi cách đây 5 năm. Nếu hỏi thích ứng với BĐKH như thế nào, 5 năm trước, câu trả lời là đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng thì câu trả lời hiện nay là xây dựng hệ thống đáp ứng các rủi ro kịp thời… Dự án rất mong có được sự hợp tác của các bên liên quan.Tap the.jpg

Trước đề xuất của các ý kiến đóng góp là cần pháp luật hóa bộ chỉ số, nếu không bộ chỉ số sẽ chỉ là “nói vui”, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, cho biết: “VN-CPI sau đó sẽ trở thành bộ công cụ kiểm soát, đồng thời hỗ trợ các đô thị đánh giá khả năng chống chịu với rủi ro từ thiên tai và BĐKH”.

Theo các nghiên cứu quốc tế, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số và gia tăng sử dụng năng luợng là những nguyên nhân căn bản dẫn đến BĐKH. Tại Việt Nam, có thể thấy ảnh hưởng của BĐKH thông qua xu thế ngày càng gia tăng mực nước biển dâng (MNBD). Số liệu ảnh vệ tinh cho thấy MNBD đã đạt 4,7mm/năm. Đặc biệt, khu vực Đông Nam bộ, TP HCM có mức tăng cao nhất, tăng cao hơn mức bình quân.

Ngoài ra, BĐKH cũng đang khiến nhiệt độ trung bình tại Việt Nam tăng 0,4 độ C (tính từ năm 1960). Số ngày và đêm nóng có xu hướng tăng đáng kể, trong khi số ngày và đêm lạnh giảm. Ở khu vực miền Trung, nơi có nhiều đập thủy điện, các trận mưa lớn và kéo dài gia tăng. Chu kỳ gió mùa Đông Nam đến muộn hơn 80 từ 10-15 ngày so với những năm 1980. Bão có xu hướng chuyển xuống phía Nam và số lượng bão đổ bộ vào vùng biển Việt Nam ngày càng nhiều hơn…

Nhận định về những thách thức cho các nhà quy hoạch đô thị, TS. Michael Digregorio cho rằng: Dân số đô thị đang tăng nhanh sẽ làm gia tăng tác động BĐKH. Do vậy, để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội, các đô thị cần điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp với bối cảnh BĐKH.

Theo TS. Michael Digregorio, có 2 cách tiếp cận BĐKH là giảm nhẹ và thích ứng. Trong đó, cách tiếp cận giảm nhẹ BĐKH sẽ thông qua giảm phát thải khí nhà kính (KNK) vào khí quyển. Mà nguồn phát thải chính là tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong giao thông, sản xuất điện và công nghiệp, chiếm 52%. Các đô thị là nguồn của hơn 70% KNK.

Còn cách tiếp cận thích ứng là điều chỉnh cho phù hợp với những BĐKH trong tương lai, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội mà BĐKH mang lại. TS. Michael Digregorio nhận định: Hai cách tiếp cận giảm thiểu và thích ứng không loại trừ lẫn nhau. Càng thực hiện công tác giảm nhẹ BĐKH một cách khẩn trương và hiệu quả thì càng phải thực hiện các hành động thích ứng. Và để hiệu quả thì việc giảm nhẹ phải thực hiện ở phạm vi toàn cầu, trong khi việc thích ứng phải thực hiện ở từng địa phương.

  


07-09-2015

733 1 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL