Phát triển Hạ Long đến năm 2040 trở thành đô thị dịch vụ, du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế
(Xây dựng) - Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 10/2/2023. Theo đó, mục tiêu đặt ra của thành phố đến năm 2040 là phát triển Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, gắn với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Đô thị Hạ Long hiện đại, đồng bộ, đẹp thơ mộng bên di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. (Ảnh: CTTĐT TP Hạ Long) |
Quy hoạch “xương sống” dẫn đường
Sau khi sáp nhập toàn bộ huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long vào cuối tháng 12/2019, thành phố Hạ Long đã trở thành đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích, quy mô dân số. Ngày 10/2/2023, Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư, quản lý, xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long với vai trò là đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước. Theo Quy hoạch chung, thành phố Hạ Long được định hướng phát triển trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ, gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Theo Quy hoạch chung được phê duyệt, thành phố Hạ Long có diện tích tự nhiên khoảng 1.121,322km2, cấu trúc phát triển của thành phố theo mô hình gồm 5 vùng (vùng Hạ Long, vùng phía Đông, vùng phía Tây, vùng vịnh Cửa Lục - khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục, vùng đồi núi phía Bắc) và 1 hành lang ven vịnh Hạ Long, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.
Cụ thể, vùng Hạ Long là vùng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Vùng phía Đông là vùng đô thị hiện hữu gắn với các chức năng trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa cấp tỉnh, trung tâm tổng hợp. Vùng phía Tây là vùng đô thị phát triển mở rộng gắn với chức năng dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí quốc tế, dịch vụ cảng và công nghiệp, công nghệ cao, trung tâm y tế, thể dục thể thao cấp vùng. Ngoài ra, vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục là vùng đô thị mới, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, công nghiệp công nghệ cao, dự trữ phát triển các trung tâm dịch vụ công cộng cấp tỉnh. Vùng đồi núi phía Bắc là khu vực nông thôn, đồi núi gắn với các chức năng bảo tồn sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái cộng đồng.
Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long theo hướng bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố; phát triển đô thị theo tiêu chí loại I chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế, hình thành không gian phát triển đô thị theo mô hình đô thị cạnh tranh đa cực...
Đô thị trung tâm thành phố Hạ Long. |
Trong mô hình tổ chức không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”: Thành phố Hạ Long được xác định là tâm, là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh.
Đồng thời, trong vùng động lực đại đô thị Hạ Long mở rộng gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều. Đây là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh, với ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng, cảng biển, các ngành năng lượng sạch... Hạ Long cũng được xác định là trung tâm của vùng. Sự phát triển của thành phố Hạ Long có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 được phê duyệt, thực hiện chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh, để đáp ứng yêu cầu của quy hoạch mới, thành phố Hạ Long đã rà soát hoàn thiện bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của thành phố sau khi mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển; tổ chức thực hiện quy hoạch một cách khoa học, đặc biệt trong quản lý phát triển đô thị; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; quản lý và sử dụng đất đô thị; quản lý xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị.
Cùng với đó, thành phố đã khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất của thành phố, đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất; nhất là các quy hoạch, dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.
Để thực hiện quy hoạch chung, giai đoạn 2022-2025, thành phố Hạ Long sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung đô thị; triển khai phát triển đô thị xanh gắn với mô hình đô thị thông minh; hoàn thiện các tuyến giao thông và nút giao thông đấu nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3 và đường vành đai ven vịnh Cửa Lục; các dự án hạ tầng du lịch đang triển khai tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu.
Giai đoạn 2025-2030 phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven biển, hoàn thiện các tuyến đường ven biển, không gian công cộng và du lịch công cộng ven biển.
Giai đoạn 2031-2040, đô thị Hạ Long sẽ mở rộng kết nối ra các khu vực lân cận như thành phố Uông Bí, Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên để tạo không gian phát triển hài hòa, dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Khơi mở hiện trạng nhiều tiềm năng
Sau khi sáp nhập huyện miền núi Hoành Bồ, với nỗ lực rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa hai khu vực, thành phố Hạ Long đã tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố với các xã miền núi thuộc khu vực Hoành Bồ cũ, với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch cho vùng cao.
Theo đó, thành phố Hạ Long ưu tiên dành nguồn lực đầu tư trên 60 dự án với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, văn hóa, giáo dục, nước sạch… tại các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Từ nay đến năm 2025, thành phố dự kiến đầu tư tiếp khoảng 45 dự án, qua đó tạo động lực, mở rộng không gian phát triển mới cho thành phố.
Đến nay, sau hơn 4 năm mở rộng địa giới hành chính, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước, Hạ Long ngày càng khẳng định vị thế đô thị thủ phủ tỉnh Quảng Ninh, là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh với sự phát triển vượt trội; Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao và ổn định, đặc biệt là thu ngân sách Nhà nước đóng góp gần 50% tổng thu nội địa của tỉnh. Hết năm 2022, thành phố Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện 12/12 xã của thành phố đạt xã nông thôn mới, trong đó có 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao, diện mạo các xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi mới.
Thành phố Hạ Long đã dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch cho vùng cao. Tuyến đường nối hai xã Sơn Dương - Đồng Lâm dài 10,12km, đường rộng 15,5m với 4 làn xe, có tổng mức đầu tư 813 tỷ đồng hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2024. (Ảnh: QMG) |
Tại Đồ án Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/2/2023) đã xác định mở rộng không gian đô thị về phía Bắc vịnh Cửa Lục để vịnh Cửa Lục là trung tâm cho định hướng phát triển không gian, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị tiêu chí loại I chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế, hình thành không gian phát triển đô thị theo mô hình cạnh tranh đa cực.
Triển khai thực hiện Quy hoạch chung, giữa tháng 11/2023, UBND thành phố Hạ Long đã tổ chức lấy ý kiến tham gia vào hồ sơ Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hạ Long, làm cơ sở cho việc quản lý toàn diện các hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị theo đúng quy hoạch chung được duyệt. Đồng thời, thành phố cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, đất đai để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư, các khu vực nằm trong vùng bảo vệ di tích.
Trên cơ sở quy hoạch “xương sống” này, thành phố Hạ Long đã triển khai quy hoạch 15 phân khu trên cơ sở tiềm năng, lợi thế riêng có của từng khu vực, coi đây là căn cứ quan trọng để lập các quy hoạch chi tiết, triển khai các dự án, kêu gọi thu hút đầu tư về địa bàn.
Kỳ họp thứ 24 (ngày 16-17/7/2024), HĐND thành phố Hạ Long khoá II, đã thông qua Chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2040, nhằm cụ thể hoá mục tiêu trong Quy hoạch chung, từng bước xây dựng, phát triển đô thị Hạ Long bền vững tương xứng với vai trò, vị thế thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn hội nhập phát triển.
Ngay sau khi HĐND thành phố thông qua, UBND thành phố Hạ Long đã ban hành các kế hoạch hành động để triển khai theo đúng lộ trình, giải pháp mà Chương trình đặt ra, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, đảm bảo không gian cảnh quan khu vực vịnh Cửa Lục, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường vịnh, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, đất ngập nước và khắc phục các tồn tại về vấn đề môi trường trước đây.
Mục tiêu đặt ra của thành phố đến năm 2040 là phát triển Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, gắn với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; phát triển xanh, linh hoạt, thích ứng và bền vững theo mô hình đô thị thông minh; hoàn thiện các tiêu chuẩn của đô thị loại I trực thuộc tỉnh; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển đô thị nhanh và bền vững; phát triển đô thị Hạ Long phải phù hợp với mối quan hệ tổng thể, gắn kết chặt chẽ với phát triển của các đô thị trong tỉnh, trong vùng.
Thành phố Hạ Long chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả. (Ảnh: Vũ Phong Cầm) |
Mục tiêu trên sẽ được triển khai trong 3 giai đoạn để mở ra không gian phát triển mới rộng lớn với tầm nhìn dài hạn theo hướng phát triển đô thị tầm cỡ quốc tế, tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng, đồng thời tạo nguồn lực và động lực mới đột phá phát triển.
Theo đó, trong giai đoạn 1 (đến năm 2025), thành phố Hạ Long sẽ triển khai rà soát để điều chỉnh hoặc lập mới tất cả các quy hoạch phân khu làm cơ sở quản lý quy hoạch, phát triển đô thị; xây dựng hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng khung đô thị; hoàn thiện các tuyến trục giao thông chính của đô thị và nút giao nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3 và đường vành đai ven vịnh Cửa Lục; nâng cấp mở rộng QL18; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân, đoạn đi qua địa bàn thành phố; xây dựng Bến xe khách Bãi Cháy, Miền Đông.
Thành phố cũng xây dựng các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, như: Bổ sung hệ thống hạ tầng thoát nước, kè chống sạt lở khắc phục các điểm ngập lụt và sạt lở trong đô thị, nâng cấp các tuyến đê kè ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng hạ tầng du lịch của các khu du lịch đang triển khai tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu; xây dựng nhà tang lễ tại phường Cao Xanh.
Đồng thời ưu tiên phát triển các khu chức năng thiết yếu và các khu có tính chất động lực của đô thị, như: Hoàn thiện khu tổ hợp Công viên Đại dương Sun World, đảo du lịch quốc tế Tuần Châu; Khu phức hợp Hạ Long Xanh; xây dựng Bệnh viện Quốc tế Hạ Long; tuyến cáp treo và khu dịch vụ tại Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Lôi Âm, Khu công nghiệp Việt Hưng, Khu du lịch nghỉ dưỡng trong rừng và du lịch mạo hiểm.
Đồng thời, trong giai đoạn này, thành phố Hạ Long sẽ mở rộng nội thành và thành lập thêm 2 phường trên hiện trạng của 2 xã Lê Lợi và Thống Nhất. 2 xã này nằm ngay bên bờ vịnh Cửa Lục và sẽ được ưu tiên tập trung nguồn lực vào các dự án để nâng cấp lên phường.
Trong giai đoạn 2 (2026-2030), Hạ Long sẽ hoàn thành xây dựng các khu vực sản xuất, như công nghiệp, khu du lịch, thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ, tiếp tục triển khai các khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái, khu nhà ở chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị… hoàn thiện các cơ sở hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng đô thị, từng bước xây dựng Đề án đô thị thông minh. Giai đoạn này, thành phố tiếp tục chỉnh trang các khu dân cư và các công trình công cộng hiện hữu, hoàn thiện các tuyến đường theo quy hoạch được duyệt, bổ sung tiện ích công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, nâng cao chất lượng không gian ven biển.
Đồng thời, huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước nhằm triển khai các khu du lịch mới, như: Tổ hợp dịch vụ du lịch cao cấp Hoành Bồ, phát huy các giá trị di tích thắng cảnh, văn hóa lịch sử tại các phường Hoành Bồ, Lê Lợi, Thống Nhất; Tổ hợp dịch vụ thương mại tại các phường Hoành Bồ, Lê Lợi, Thống Nhất; Trung tâm thể thao khu vực và công viên chuyên đề, sinh thái tại khu vực Hoành Bồ, Thống Nhất. Cùng với đó, phát triển dần các dự án du lịch cho các xã phía Bắc nhằm tận dụng tối đa khai thác tiềm năng du lịch khu vực này để kết nối tuyến du lịch vịnh Hạ Long và quy hoạch khai thác các mỏ than đã hoàn nguyên để trở thành điểm du lịch hấp dẫn mới lạ.
Trong giai đoạn 3 (2031-2040), thành phố Hạ Long sẽ phát triển bền vững với tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp, hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo kết nối thuận tiện với các vùng, lãnh thổ trong cả nước và quốc tế. Từ đó phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đưa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, bền vững về môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh được bảo đảm.
Theo thành phố Hạ Long, để đạt được mục tiêu đề ra, dự kiến sẽ cần trên 400.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư phát triển đô thị trong giai đoạn từ nay đến năm 2040.
Hoàng My
https://baoxaydung.com.vn/ - 07-08-2024