Nâng hạng đô thị với Tam Điệp và Kỳ Anh
Chiều 9/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông các Tờ trình của Chính phủ về đề án thành lập thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) và Thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt đồng ý.
Thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được nâng hạng lên thành phố.
Thị xã Tam Điệp hiện đã đạt 9/10 tiêu chuẩn của đô thị là thành phố, chỉ còn tiêu chuẩn về tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính hiện nay là chưa đạt. Tuy nhiên, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập phường Yên Bình (thuộc Thị xã Tam Điệp) thì Tam Điệp sẽ đủ tiêu chuẩn lên thành phố theo quy định của pháp luật.
Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị của thị xã Tam Điệp đạt đủ các tiêu chuẩn của đô thị loại III như nhà ở, công trình công cộng, giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện và chiếu sáng công cộng…
Về tổ chức bộ máy, theo Đề án của Chính phủ, việc thành lập mới phường Yên Bình và thành lập thành phố Tam Điệp không làm tăng tổ chức, biên chế và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do tỉnh quản lý.
Nhu cầu vốn đầu tư cho phường Yên Bình và thành phố Tam Điệp giai đoạn 2016-2020 là khoảng 1.932 tỷ đồng; trong đó vốn từ ngân sách trung ương là 1.269,2 tỷ đồng.
Về việc thành lập Thị xã Kỳ Anh và 6 phường trực thuộc thị xã, được Chính phủ thực hiện dựa trên điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Kỳ Anh. Huyện Kỳ Anh còn lại 76.161,7 ha diện tích tự nhiên và 120.518 nhân khẩu là phù hợp, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Tiêu chuẩn thành lập thị xã Kỳ Anh đạt 8/9 tiêu chuẩn, và với việc thành lập 6 phường thuộc thị xã Kỳ Anh đạt đủ 4/4 tiêu chuẩn thành lập phường thuộc thị xã.
Về tổ chức bộ máy và biên chế, tỉnh Hà Tĩnh dự kiến thành lập 24 cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thị xã Kỳ Anh với nhu cầu 132 biên chế cán bộ, công chức. Theo đó, tỉnh sẽ điều chuyển cán bộ, công chức trong nội bộ tỉnh cho thị xã khi được thành lập; đồng thời giữ nguyên trạng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. Như vậy, việc thành lập thị xã Kỳ Anh không làm tăng tổng biên chế cán bộ, công chức do tỉnh Hà Tĩnh quản lý.
Nhu cầu vốn đầu tư cho thị xã Kỳ Anh và của huyện Kỳ Anh sau khi điều chỉnh địa giới hành chính giai đoạn 2015-2020 là 2.580 tỷ đồng.
Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra Đề án của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Đề án thành lập thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) và thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt đồng ý.
Theo : chinhphu.vn
10-04-2015