Mở rộng địa giới Đà Lạt, Bảo Lộc; xây dựng Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
(Chinhphu.vn) - Mở rộng địa giới thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc. Sắp xếp, tái cấu trúc không gian lãnh thổ của tỉnh Lâm Đồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống.
Sắp xếp, tái cấu trúc không gian lãnh thổ của tỉnh Lâm Đồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có thông tin chung về Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng. Dự kiến thời gian sẽ tổ chức trong tháng 5/2024.
Quy hoạch tỉnh nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Tây Nguyên ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Quy hoạch tỉnh đã phân tích đánh giá các tiềm năng, lợi thế, nhận diện các điểm nghẽn của tỉnh Lâm Đồng trong phát triển kinh tế - xã hội; từ đó xác định các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm cần giải quyết, cụ thể: Tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng.
Sắp xếp, tái cấu trúc không gian lãnh thổ của tỉnh Lâm Đồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống, khẳng định vị thế và vai trò của tỉnh Lâm Đồng đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.
Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo hướng tới tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực. Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế - xã hội và xây dựng chính quyền số.
Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý và bảo vệ rừng, sử dụng hiệu quả quỹ đất. Xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa.
Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.
Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.
Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.
Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn.
Phát triển không gian đô thị hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế.
Phát triển đô thị mới gắn với động lực, tiềm năng, thế mạnh từng vùng với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch.
Phát triển mạnh giáo dục, y tế và khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, theo hướng hiện đại; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Phương hướng phát triển các ngành quan trọng 3 lĩnh vực gồm: Ngành nông, lâm, thủy sản, ngành dich vụ, ngành công nghiệp - xây dựng với 5 hành lang kinh tế:
- Hành lang kinh tế Đông - Tây (Cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT.25), Cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT.27); Quốc lộ 20 - Quốc lộ 27C, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Lâm Đồng- Khánh Hòa;
- Hành lang kinh tế Đông - Tây (ĐT.725);
- Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 28, kết nối Đắk Nông - Di Linh (Lâm Đồng) - Bình Thuận);
- Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 27, kết nối Đắk Lắk - Lâm Đồng - Ninh Thuận và Quốc lộ 28B kết nới Lâm Đồng - Bình Thuận);
- Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 55, kết nối Đắk Nông - Bảo Lộc (Lâm Đồng) - Bình Thuận và Quốc lộ 55B, Bình Phước - Lâm Đồng - Bình Thuận).
Mô hình tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2050, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: Khu vực nội thành gồm: Thành phố Đà Lạt mở rộng (thành phố Đà Lạt hiện hữu, huyện Lạc Dương) và 5 xã, thị trấn thuộc huyện Lâm Hà (gồm: Thị trấn Nam Ban; xã Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh); (huyện Đức Trọng; Thành phố Bảo Lộc mở rộng (thành phố Bảo Lộc hiện hữu và 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm gồm: Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc Tân).
Khu vực ngoại thành gồm: 3 Thị xã: Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh; 3 huyện: Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai mới (huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai hiện hữu).
Các dự án ưu tiên đầu tư: Gồm 227 dự án, bao gồm các lĩnh vực: Giao thông vận tải (36 dự án); công nghiệp (11 dự án); văn hóa, thể thao và du lịch (34 dự án); y tế (36 dự án), giáo dục và đào tạo (6 dự án); thương mại, dịch vụ (20 dự án); khu dân cư, khu đô thị (62 dự án); phát triển nông nghiệp (12 dự án); bảo vệ môi trường (3 dự án); khai thác khoáng sản (4 dự án); khối hành chính (3 dự án).
Một số dự án trọng tâm, trọng điểm: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối vàng; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Cao tốc Nha Trang - Liên Khương (CT.25); Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E; Tổ hợp nhà máy tuyển bauxit và chế biến Alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt; Khu đô thị Liên Khương Prenn; Khu đô thị phía Đông Đà Lạt; Khu đô thị phía Tây Đà Lạt; Khu công nghiệp Phú Bình; Cảng cạn tại huyện Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc.
Vai trò, lợi ích của Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đối với Nhà nước: Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng là một trong những công cụ quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước, huy động mọi nguồn lực, lợi thế đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển hạ tầng các vùng lãnh thổ, là cơ sở xây dựng các kế hoạch 05, 10 năm, hàng năm của địa phương theo từng cấp độ quản lý; góp phần điều hành, quản lý mọi hoạt động phát triển không gian lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội: Nhanh, toàn diện, bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước.
Thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại địa bàn tỉnh, góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Đối với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư: Thuận lợi tiếp cận với thông tin về tiềm năng, cơ hội hợp tác phát triển kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đối với cộng đồng dân cư có liên quan: Quy hoạch tỉnh khi được triển khai thực hiện sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Cơ sở dữ liệu Quy hoạch tỉnh được tích hợp vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người dân tiếp cận thông tin về quy hoạch cũng như việc theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch một cách chính thống, đảm bảo công khai, minh bạch.
Nguồn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ - 13-05-2024