“Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”

94 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí cầm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong hành trình đó, giương cao ngọn cờ độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, với chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp từng thời kỳ, Đảng đã cổ vũ, quy tụ và lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

 

Thực tế qua hơn 9 thập kỷ, Đảng ta luôn chú trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn, để giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân.

Đảng và cán bộ, đảng viên luôn phụng sự Tổ quốc, nhân dân với tinh thần liêm chính

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh rằng: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân[1], mà Người còn đồng thời khẳng định “Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào”[2]. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, Người lại nêu rõ tư cách của một Đảng cách mạng chân chính trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947) rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.”[3].

Đồng thời, cũng không phải tự nhiên Người lại yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng “trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”[4]; phải luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính và nhất là phải có/phải chú trọng rèn luyện 5 đức tính quý báu: “NHÂN - NGHĨA - TRÍ - DŨNG - LIÊM”. Bởi rằng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã luôn nhận thức sâu sắc những yêu cầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh mỗi người cách mạng phải có, phải khắc cốt ghi tâm - đó chính là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; là tuân thủ Điều lệ Đảng và giữ vững kỷ luật của Đảng; là nghiêm túc thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; là luôn đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình và hết lòng hết sức phục vụ nhân dân với tinh thần liêm chính. Trong thực thi công tác, mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị đã không chỉ dám nghĩ, dám làm trên tinh thần “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội.

Thực tế cũng cho thấy, để xứng đáng với vai trò tiền phong, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải trải qua quá trình rèn luyện, tu dưỡng và phấn đấu; phải không ngừng nỗ lực về mọi mặt cả sau khi đã được bổ nhiệm, để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong hành trình tu dưỡng, phấn đấu đó, khi mỗi người không còn thường xuyên tự soi, tự sửa, sa vào cá nhân chủ nghĩa, phạm vào tham ô, tham nhũng… thì khi đó, tất yếu sẽ bị đào thải khỏi tổ chức, khỏi chức vụ được giao; đồng thời bị pháp luật xử lý. Bộ phận những người suy thoái này là những cành cây sâu mục, tất yếu phải cắt bỏ, để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị. Và cũng bởi rằng, là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định, nhấn mạnh những yêu cầu về Đảng, về đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải tuân thủ, suốt đời tu dưỡng và thực hành như đã nêu trên, mà Người còn là một mẫu mực của tấm gương người lãnh đạo, người đầy tớ luôn gắn bó, thật trung thành và phụng sự Tổ quốc, nhân dân với tinh thần liêm chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng Đảng, rèn luyện Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để Đảng “là đạo đức, là văn minh”. Vì thế, trước khi đi xa, trong Di chúc Người đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[5].

Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng là để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Quán triệt những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng cách mạng “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, nhất là phòng và chống những biểu hiện suy thoái, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương như: phai nhạt lý tưởng cách mạng; cơ hội, chạy theo chức quyền để thu vén lợi ích cá nhân; cậy quyền để tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính… Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, phù hợp mà còn chú trọng vấn đề làm trong sạch Đảng để Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong.

Thực tế, không phải do Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo nên mới có tham ô, tham nhũng, mà sự thật là để xứng đáng với vị thế cầm quyền, đại đa số cán bộ, đảng viên của Đảng đều luôn tu dưỡng về đạo đức cách mạng; thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình trên tinh thần: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[6] và nỗ lực phấn đấu về mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Trên hành trình xây dựng và hoạt động, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được chú trọng, được tổng kết qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc và được triển khai sâu rộng theo các Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng gắn với việc tu dưỡng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 Tuy nhiên, dù xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh, song trong những nhiệm kỳ gần đây, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bị quyền lực làm cho tha hóa, họ đã lợi dụng quyền lực chính trị mà nhân dân ủy thác để trục lợi cho mình và nhóm lợi ích của mình từ chính sách, từ những liên minh ma quỷ. Việc không còn gương mẫu, nói không đi đôi với làm, không còn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái gắn với những vụ án liên quan đến tham nhũng thời gian gần đây đã làm cho sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong từng cơ quan, địa phương, đơn vị bị rạn nứt. Thực trạng này không chỉ gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, làm tổn hại đến danh dự, uy tín của Đảng, mà còn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Vì thế, để phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ, Đảng chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những kết quả đạt được trong công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng những nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt là những con số “biết nói” trong phiên họp thứ 24, họp ngày 16/8/2023: Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố, điều tra 452 vụ án/1.409 bị can về các tội tham nhũng (tăng 155 vụ/727 bị can so với cùng kỳ năm 2022). Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng; hoàn thành xét xử 23 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nổi bật là, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trên diện rộng, vi phạm có tính hệ thống, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân (như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án xảy ra tại Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm đăng kiểm;...); đã khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 31 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó, có 02 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 04 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 05 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng; 07 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 02 Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và 09 sỹ quan cấp tướng của lực lượng vũ trang); điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn trong các vụ án xảy ra tại Công ty AIC và một số địa phương, tạo bước đột phá trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực và thu hồi, đề nghị thu hồi tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước… đã cho thấy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị.

Để cán bộ, đảng viên thực sự “làm người đày tớ nhân dân chứ không phải làm quan nhân dân[7] như Chủ tịch Hồ Chí Minh cặn dặn, việc quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII và Kết luận 21-KL/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"”  gắn với Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương" và Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc "Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền"… trong toàn Đảng, từ Trung ương đến địa phương những năm qua đã góp phần phát hiện sớm những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vụ lợi từ những cán bộ, đảng viên đã suy thoái, biến chất để kịp thời xử lý theo Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng và pháp luật.

Đấu tranh chống tham nhũng là để xây dựng và chỉnh đốn Đảng; là để các cơ quan công quyền thực sự liêm khiết, vì nhân dân phụng sự; là để mỗi cán bộ, đảng viên xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là đày tớ của nhân dân. Đặc biệt, việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương với Thông báo Kết luận số 12-TB/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”... và nhất là nhờ quyết tâm chống tham nhũng quyết liệt, không ngừng, không nghỉ trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù đang còn công tác hay đã nghỉ chế độ, nên kết quả của cuộc đấu tranh đầy cam go, thử thách này đã không chỉ góp phần cảnh tỉnh, răn đe những người muốn lợi dụng/lạm dụng quyền lực để “làm quan phát tài” đã từng bước được ngăn chặn, kiểm soát, mà còn thiết thực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cuối cùng, phải khẳng định rằng: Mỗi một thành công của cách mạng Việt Nam, của nhân dân Việt Nam từ mùa xuân năm 1930 đến nay đều gắn liền với Đảng Cộng sản Việt Nam; với sự hy sinh, phấn đấu không ngừng, không nghỉ của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Vì thế, dù vẫn còn những hạn chế cần phải tiếp tục khắc phục như Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật trong Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng và trong các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng, song có thể khẳng định rằng, vị thế, vai trò lãnh đạo và sức hấp dẫn của Đảng cầm quyền là không thể phủ định. Càng nhiều cam go, thử thách thì Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng càng thấu triệt sâu sắc hơn chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” và cán bộ, đảng viên “làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng” để thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh chính trị để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, càng kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thì Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên càng phải bản lĩnh, sáng tạo, tận tâm, tận lực vì dân, vì nước, để Đảng luôn xứng đáng với vị trí, vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và hệ thống chính trị./.

Thanh Mai - Anh Hoa


http://dukcqtw.dcs.vn/ - 19-02-2024

646 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL