Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam

(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 được Bộ Xây dựng tổ chức vào ngày 8/11. Diễn đàn gồm 1 phiên toàn thể và 3 Hội thảo chuyên đề, thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

 

Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại phiên toàn thể.

Đô thị đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước

Nhằm hưởng ứng Ngày Đô thị hóa thế giới, hướng tới chủ đề Kỳ họp thứ 12 của Diễn đàn Đô thị Thế giới đang diễn ra tại Thủ đô Cairo (Ai Cập), đồng thời chào mừng Ngày Đô thị Việt Nam 8/11 và Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, Bộ Xây dựng tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 với chủ đề: “Nhà là nơi bắt đầu: Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam”.

Đây là sự kiện được Bộ Xây dựng tổ chức thường niên để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và trao đổi kiến thức giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, các Viện, trường, cơ sở nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức, cá nhân quan tâm đến phát triển đô thị.

Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam sẽ là nơi tập hợp ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển đô thị trong nước và quốc tế để giúp các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong việc xây dựng các Nghị quyết, Chương trình hành động, Chiến lược, Đề án triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/11/2022 thực hiện Nghị quyết số 06.

Đồng thời, Diễn đàn sẽ cung cấp nền tảng để thảo luận và giải quyết các thách thức mới của đô thị, tạo cơ hội cho các bên liên quan hợp tác để tạo ra môi trường đô thị toàn diện trên cả ba phương diện kinh tế - xã hội và môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, các đô thị Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia với tỷ lệ đô thị hóa đạt hoảng 43,1% và khoảng 902 đô thị trên toàn quốc. Nhiều đô thị ven biển đã hình thành các thương hiệu mới, chất lượng sống ngày càng được cải thiện.

Nhờ vào sự đóng góp của các đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD. Thu nhập bình quân ở khu vực thành thị gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn. Chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng tăng cao với sự cải thiện rõ rệt về môi trường sống, cảnh quan đô thị, tiếp cận hạ tầng kỹ thuật đô thị và cơ hội phát triển của cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như đô thị hóa dàn trải, mật độ đô thị thấp, chất lượng hạ tầng đô thị chưa cao, ô nhiễm môi trường, ngập lụt đô thị, thiếu nhà ở, không gian xanh…

Đứng trước những thách thức đó, Bộ Chính trị đã ban hành ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06). Đây là một Nghị quyết quan trọng mang tầm chiến lược, định hướng cho quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam.

Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
Bà Laura Petrella, Trưởng Ban Quy hoạch, Tài chính và Kinh tế, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc toàn cầu UN-Habitat.

Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và chính quyền các đô thị đang nỗ lực thực hiện các chương trình hành động, triển khai các chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa. Các dự án Luật như: Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp, Thoát nước đang được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy quá trình đô thị hóa có chất lượng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng, các định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW cần được triển khai mạnh mẽ. 6 nhiệm vụ được chỉ ra sẽ là kim chỉ nam cho phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn tới. Việc hoàn thiện chính sách và thể chế liên quan đến quản lý phát triển đô thị cần có sự tham gia tích cực của tất cả các bên, từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nhiệp, chuyên gia cư dân đô thị và bạn bè quốc tế.

“Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà phát triển đô thị, cùng cộng đồng trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng và sáng kiến hợp tác. Tôi tin rằng sự phát triển đô thị không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững đô thị toàn cầu”, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Còn theo bà Laura Petrella, Trưởng Ban Quy hoạch, Tài chính và Kinh tế, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc toàn cầu UN-Habitat, UN-Habitat đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Bền vững và Chương trình Nghị sự Đô thị mới. Điều này thể hiện qua việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06.

UN-Habitat cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về đô thị, đặc biệt là xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo bà Laura Petrella, để hướng tới đô thị hóa bền vững và đảm bảo quá trình phát triển đô thị trong tương lai, UN-Habitat đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường thể chế và chính sách đô thị; giải quyết các vấn đề như nhà ở giá rẻ, biến đổi khí hậu, tái thiết đô thị, phát triển giao thông công cộng và phát triển cơ sở hạ tầng, không gian công cộng; thúc đẩy quy hoạch đô thị tích hợp với phương pháp tiếp cận có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, tạo ra mô hình quản trị với sự phân cấp và trao quyền cho chính quyền địa phương; áp dụng các công cụ mới và sáng tạo cho quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị…

Còn nhiều thách thức trong phát triển đô thị

Phát biểu Diễn đàn, bà Amal Abdel Kader Almorsi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ả Rập Ai Cập tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đã thành công đạt được sự phát triển kinh tế - xã hội trong suốt 40 năm qua dựa vào tầm nhìn và mục tiêu chiến lược cho năm 2030 và 2045. Những bước phát triển này của Việt Nam đến từ công tác phát triển đô thị bền vững.

Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
Bà Amal Abdel Kader Almorsi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ả Rập Ai Cập tại Việt Nam.

Việt Nam có khả năng phát triển tốt hệ thống đô thị và nông thôn cũng như cải thiện kỹ thuật và hạ tầng xã hội tốt, liên kết đô thị - nông thôn, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… Tất cả những nỗ lực của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Theo bà Amal Abdel Kader Almorsi Salama, các thành phố trên thế giới đang chứng kiến những thách thức chưa từng có trên toàn cầu, bao gồm sự gia tăng dân số nhanh chóng, biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước, thiếu nguồn cung nhà ở và nhu cầu đầy đủ tài chính.

Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi những nỗ lực chung của quốc tế nhằm tìm ra giải pháp sáng tạo và hiệu quả, bên cạnh đó là sự phối hợp của các bên thông qua chia sẻ kiến thức, chuyên môn…

Ai Cập luôn chủ động tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững, từ đó phát triển xã hội và cải thiện mức sống của người dân hai nước.

Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
Ông Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến của Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam, ông Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam cho rằng, các thành phố hiện đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng do mật độ dân số tăng, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng cao, chủ yếu ở các khu vực đô thị.

Tuy nhiên, các thành phố cũng là nơi có nhiều cơ hội để đổi mới, là nơi có thể thực hiện các giải pháp và kế hoạch tác động lớn đến môi trường, con người và nền kinh tế. Tại Việt Nam, các thành phố đang phát triển nhanh chóng không chỉ đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế mà còn có vai trò then chốt trong việc giải quyết những rủi ro về biến đổi khí hậu ngày càng tăng cao.

Bằng cách hỗ trợ khả năng phục hồi khí hậu xanh và phát triển đô thị các bon thấp, ông Thomas Gass hy vọng Thụy Sỹ sẽ góp phần giúp các thành phố tại Việt Nam có khả năng phục hồi tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh sẽ là chìa khóa để đảm bảo rằng các thành phố của Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu.

“Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực thu hút đầu tư công vào cơ sở hạ tầng bền vững, đồng thời giúp xây dựng năng lực của các tổ chức tài chính để quản lý tốt hơn các rủi ro về khí hậu”, ông Thomas Gass nhấn mạnh.

Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam và Thụy Sỹ đang trong giai đoạn chuẩn bị một chương trình song phương mới về phát triển đô thị bền vững. Chương trình sẽ tập trung vào việc tăng cường khuôn khổ pháp lý và quy định cho quy hoạch đô thị, tăng cường tính minh bạch của việc chia sẻ dữ liệu để hỗ trợ phát triển có khả năng phục hồi và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo giảm thiểu rủi ro do thảm họa liên quan đến khí hậu.

Thụy Sỹ cam kết tiếp tục sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường khuôn khổ quy hoạch đô thị, cải thiện tính minh bạch và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân. Thông qua sự hợp tác này, các thành phố có thể phát triển theo cách toàn diện và bền vững.

Sau phiên khai mạc toàn thể, trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra 3 Hội thảo chuyên đề. Hội thảo 1 có chủ đề “Triển khai chính sách trọng tâm trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam” tập trung vào các nội dung: Định hướng chính sách phát triển đô thị Việt Nam bền vững; Tóm tắt các chính sách về đô thị; Các mô hình quản trị và công cụ quản lý đô thị hiệu quả; Trách nhiệm của Nhà nước trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị…

Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm.

Hội thảo 2 có chủ đề “Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình đô thị mới tại Việt Nam” tập trung trao đổi các nội dung: Những thách thức trong việc thực hiện Chương trình nghị sự đô thị mới và SDG11; Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam: Thực tiễn triển khai và khuyến nghị; Thành lập Trung tâm tiên tiến về đô thị để thực hiện SDG và NUA tại Việt Nam.

Tại Hội thảo 3 có chủ đề “Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững” trao đổi các nội dung: Áp dụng mô hình thành phố bọt biển trong phát triển đô thị - mô hình thí điểm tại đô thị Đồng bằng sông Cửu Long; Nền tảng hỗ trợ ra quyết định và phòng chống ngập lụt (FEDS) trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh; Phát triển công trình xanh thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Yến Mai – Diệu Linh (Ảnh: Dịch Phong)


https://baoxaydung.com.vn/ - 09-11-2024

226 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL