Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Cục Phát triển đô thị : Xây dựng thể chế về quản lý phát triển đô thị.
Ngày 15/12, Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị. Theo báo cáo đọc tại hội nghị của Phó Cục trưởng Lê Hoàng Trung : “Năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid -19 và các đô thị là khu vực chịu tác động rõ nét. Việc dịch bệnh bùng phát trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong suốt quý II và quý III là nguyên nhân chủ yếu của tình hình di cư từ đô thị về nông thôn, dẫn đến tốc độ đô thị hóa ở mức thấp so với mục tiêu đã đề ra. Trong bối cảnh khó khăn, Cục Phát triển đô thị (Cục PTĐT) đã điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, thời điểm và trọng tâm thực hiện Chương trình công tác năm 2021 để cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu trong năm, tạo tiền đề tiếp tục thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong năm 2021, Cục PTĐT đã tham gia tham mưu cho Đề án Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Bộ Chính trị xem xét ban hành Nghị quyết.
Cục PTĐT cũng đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng khác, bao gồm: Tổng kết tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Hoàn thành Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030; Xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai xây dựng Luật để quản lý phát triển đô thị; Triển khai Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Về tình hình triển khai các Chương trình, Đề án, Kế hoạch phát triển đô thị và các nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao, Cục PTĐT đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hệ thống đô thị và phân loại đô thị Việt Nam.
Tính đến tháng 12/2021, cả nước đã có 869 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV và 674 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2021 đạt khoảng 40,5%.
Đối với việc triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Cục PTĐT đang nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn các địa phương xây dựng Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu trên nền GIS; Nghiên cứu xây dựng Chương trình thí điểm phát triển đô thị thông minh Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục triển khai các hoạt động của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN) trong năm 2021 và hướng dẫn, phối hợp với các địa phương trong những nội dung cụ thể về phát triển đô thị thông minh đang triển khai trên địa bàn.
Về tình hình quản lý thực hiện các dự án quy hoạch, dự án vốn ODA, Cục PTĐT hỗ trợ kỹ thuật cho các đô thị tham gia Chương trình đô thị miền núi phía Bắc để điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, gia hạn và sử dụng vốn dư của Chương trình đến ngày 30/6/2022; Tham gia Dự án Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam; Tổ chức quản lý 2 Quy hoạch chung và 6 Quy hoạch xây dựng vùng huyện nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, Cục PTĐT cũng đã rất nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ quản lý thực hiện đầu tư phát triển đô thị theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP; Phối hợp thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; triển khai Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030; triển khai Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Thực hiện nhiệm vụ Thường trực Diễn đàn đô thị Việt Nam (VUF), Thường trực Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN) và các hoạt động hợp tác quốc tế; Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, điều tra khảo sát sự nghiệp kinh tế, tư vấn phát triển đô thị…
Những nhiệm vụ chính trong năm 2022 về xây dựng thể chế quản lý và phát triển đô thị
1, Tổng kết nghiên cứu và đề xuất Luật để quản lý, phát triển đô thị (Luật Đô thị). 2, Tiếp tục báo cáo xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
3, Phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung xây dựng Nghị định sửa các Nghị định, trong đó có nội hàm của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
4, Phối hợp với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương để tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
5, Triển khai Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030. 6, Triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
7, Triển khai Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030.
8, Xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phát triển đô thị tại các địa phương.
9,Thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thường trực Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN)...
Chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Trọng tâm trong công tác của Cục PTĐT trong năm 2022 là bám sát 9 nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng thể chế quản lý phát triển đô thị. Hệ thống đô thị Việt Nam trong những năm qua đã có tốc độ phát triển mạnh mẽ, nhưng chủ yếu vẫn là các đô thị nhỏ. Chất lượng đô thị có tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do vậy công tác thanh tra, kiểm tra các đô thị sau khi phân cấp, nâng loại cần phải thực hiện thường xuyên. Bên cạnh công tác chuyên môn Cục cũng cần quan tâm đến công tác sinh hoạt Đảng và phát triển đảng trong đơn vị,vì đây là đơn vị có rất nhiều các bộ trẻ nguồn lực rất dồi dào...Bộ trưởng yêu cầu Cục PTĐT cần phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ của Bộ trong năm 2022 và trong suốt nhiệm kỳ thực hiện tốt nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hội nghị đã lắng nghe các ý kiến đóng góp cho những nhiệm vụ trong những năm tiếp theo của Cục của các đồng chí: Trần Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục PTĐT; Lê Hồng Thủy, đại diện phòng Quản lý phát triển đô thị; Nguyễn Ngọc Quang, phòng Thẩm định các dự án PTĐT.. và các ý kiến đóng góp cho nhiệm vụ của Cục cũng như công tác phối hợp với các đơn vị của Bộ Xây dựng. Ý kiến của Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng về liên kết và chia sẻ thông tin số hóa trong quy hoạch và quản lý đô thị; Cục trưởng Cục Hạ tầng - Mai Liên Hương cũng làm rõ hơn trong việc phối hợp công tác giữa hai Cục để thúc đẩy công tác QLNN của Bộ đến sát hơn thực tế phát triển các đô thị cả nước; Ý kiến của Cục Quản lý nhà, và Thị trường BĐS, Vụ Tổ chức cán bộ...
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và ý kiến của các đại biểu và của các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng. Cục trưởng Cục PTĐT Trần Quốc Thái hứa sẽ chỉ đạo, đôn đốc các cán bộ Cục PTĐT nhanh chóng bắt tay vào công việc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2022.
KIM SƠN – HỮU MẠNH
15-12-2021