Quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phát triển đô thị

Ngày 09/10/2013 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định ban hành Quyết định số 996/QĐ-BXD thay thế Quyết định số 459/QD-BXD ngày 02/4/2008 Quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phát triển đô thị.

Cục Phát triển đô thị là tổ chức thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đối với lĩnh vực phát triển đô thị; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án về lĩnh vực phát triển đô thị do Bộ làm chủ đầu tư hoặc chủ quản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân công, ủy quyền của Bộ trưởng.

Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Chủ trì xây dựng để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định hướng, chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia, các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia về phát triển đô thị; các chỉ tiêu về lĩnh vực phát triển đô thị trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; tổ chức thực hiện các định hướng, chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án sau khi được phê duyệt theo sự phân công của Bộ trưởng.

2. Chủ trì xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư phát triển đô thị, các chính sách, giải pháp quản lý quá trình đô thị hoá, các mô hình quản lý phát triển đô thị; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện trên phạm vi cả nước.

3.  Tổ chức thẩm định các khu vực phát triển đô thị, các dự án đầu tư phát triển đô thị thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Soạn thảo trình Bộ trưởng văn bản ý kiến thống nhất để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh theo quy định.

4. Chủ trì soạn thảo trình Bộ trưởng văn bản ý kiến thống nhất để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt.

5. Chủ trì xây dựng để Bộ trình Chính phủ ban hành quy định hệ thống các tiêu chí đánh giá, phân loại đô thị theo từng giai đoạn phù hợp với tiến trình phát triển chung của đất nước; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại đô thị hàng năm theo các tiêu chí đã được Chính phủ quy định; tổ chức thẩm định để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận loại đô thị đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I và loại II hoặc Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định công nhận loại đô thị đối với các đô thị loại III và loại IV theo phân cấp của Chính phủ.

6. Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý phát triển đô thị mới, nâng cấp, cải tạo, bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang, mở rộng và tái thiết đô thị; hướng dẫn quản lý trật tự xây dựng đô thị.

7. Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc lập và thực hiện các chương trình phát triển đô thị; thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị; hướng dẫn quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt.

8. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư xây dựng và phát triển đô thị; tổ chức vận động, khai thác, điều phối các nguồn lực trong và ngoài nước cho việc đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống đô thị quốc gia theo phân công của Bộ trưởng; hợp tác nghiên cứu nâng cao năng lực trong lĩnh vực phát triển đô thị.

9. Hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao năng lực chính quyền địa phương trong việc điều phối, quản lý thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị (xây dựng hệ thống danh mục, xác định nhu cầu đầu tư, kế hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn).

10. Tổ chức quản lý các dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật hoặc chương trình liên quan đến phát triển đô thị do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản hoặc chủ đầu tư (bao gồm: các đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung các đô thị thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các đề án phân loại đô thị; chương trình phát triển đô thị quốc gia; các chương trình nâng cấp đô thị quốc gia; các dự án đầu tư phát triển đô thị).

11. Theo dõi, tổng hợp, đánh giá và báo cáo tình hình phát triển đô thị trên phạm vi cả nước; tổ chức xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về phát triển đô thị.

12. Tổ chức soạn thảo để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các dịch vụ công trong lĩnh vực phát triển đô thị; hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực phát triển đô thị hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

13. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Diễn đàn đô thị Việt Nam; tổ chức điều hành các diễn đàn, các hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế, các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển đô thị.

            14. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.

            15. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ, thực hiện quản lý các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.

16. Cục trưởng Cục Phát triển đô thị được quyền:

16.1. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương cung cấp những số liệu, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các lĩnh vực công tác của Cục;

16.2. Ký một số văn bản hành chính, văn bản h­ướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nhân danh Cục trưởng và sử dụng con dấu của Cục theo quy định pháp luật;

16.3. Được Bộ trưởng uỷ quyền ký một số văn bản về các lĩnh vực công tác của Cục theo quy định tại Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Xây dựng.

17. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao.

Cơ cấu tổ chức của Cục

1.1. Văn phòng;

1.2. Phòng Chiến lược và kế hoạch phát triển đô thị;

1.3. Phòng Quản lý phát triển đô thị;

1.4. Phòng Thẩm định dự án đầu tư phát triển đô thị;

1.5. Trung tâm Thông tin, Hợp tác quốc tế và Tư vấn phát triển đô thị;

1.6. Ban quản lý dự án Phát triển đô thị.


11-10-2013

1253 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL