Nhiều đô thị ven biển đã hình thành các thương hiệu mới
(PLO)- Bộ Xây dựng cho biết, sự gia tăng về đất đai, mở rộng ranh giới hành chính thời gian qua tiếp tục tạo thách thức trong cải thiện, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị. Nhân Ngày Đô thị Việt Nam 8-11, Bộ Xây dựng tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024, chủ đề “Nhà là nơi bắt đầu: Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam”.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, các đô thị Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 43,1% và khoảng 902 đô thị trên toàn quốc.
Hiện, nhiều đô thị ven biển đã hình thành các thương hiệu mới, chất lượng sống ngày càng được cải thiện. Nhờ sự đóng góp của đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD; thu nhập bình quân ở khu vực thành thị gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều hạn chế tồn tại mà sự phát triển đô thị chưa khắc phục triệt để, như: Đô thị hóa còn dàn trải, mật độ đô thị thấp, chưa thực sự hiệu quả; chất lượng hạ tầng còn gây nhiều khó khăn trong đời sống đô thị như ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, ngập lụt cục bộ, thiếu nhà ở, thiếu hạ tầng, không gian xanh…
Đặc biệt, sự gia tăng về đất đai đô thị, mở rộng ranh giới hành chính đô thị thời gian qua tiếp tục tạo thách thức trong cải thiện, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh, các định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW cần được triển khai mạnh mẽ, từ hoàn thiện thể chế, chính sách, đến phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế khu vực đô thị.
Trong đó, việc hoàn thiện chính sách và thể chế liên quan đến quản lý phát triển đô thị là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự tham gia tích cực của Trung ương lẫn địa phương, cộng đồng doanh nhiệp, chuyên gia, cư dân đô thị và bạn bè quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, có một hành lang pháp lý thống nhất, hiệu quả sẽ giúp đô thị hóa diễn ra lành mạnh, cạnh tranh và bền vững, không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững đô thị toàn cầu.
Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 gồm 1 Phiên toàn thể và 3 Hội thảo chuyên đề thảo luận về các nội dung trọng tâm như: Triển khai chính sách trọng tâm trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam; Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình đô thị mới tại Việt Nam; Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững.
Các ý kiến tại diễn đàn sẽ được tiếp thu, nghiên cứu, tiếp để xây dựng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình hành động nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Nguồn: https://plo.vn/ - 08-11-2024