Xây dựng đô thị thông minh ứng phó với dịch bệnh

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống trên phạm vi toàn cầu và dự báo tiếp tục tác động tiêu cực trong thời gian tới. Nhiều đô thị đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng cũng có nhiều đô thị đã vượt qua những trở ngại ban đầu, bắt đầu tăng trưởng trở lại với sự giúp đỡ của các hệ thống công nghệ tiên tiến và khoa học đổi mới sáng tạo.

 

Ký túc xá của Đại học FPT tại Hòa Lạc được huy động làm nơi cách ly để phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện nay, việc ứng dụng các công nghệ thông minh trong phát triển đô thị đã và đang trở thành giải pháp hàng đầu và đang được đẩy mạnh nhằm đối phó với những cú sốc tiếp theo có thể xảy ra.

Áp dụng khoa học kỹ thuật

Các giải pháp đô thị thông minh đã làm thay đổi cách thức vận hành và tương tác truyền thống cũng như công tác ra quyết định trong việc quản lý và phát triển đô thị trong bối cảnh đại dịch.

Nhờ vào hệ thống dữ liệu được thu thập về thông tin người bị nhiễm (F0), người tiếp xúc trực tiếp (F1) hay người tiếp xúc gần gián tiếp (F2)... và công nghệ xử lý phân tích, kịch bản về phân vùng để kiểm soát trong đô thị, kịch bản về đỉnh dịch và khoảng cách an toàn trong phòng, chống dịch để phân bổ luồng người di chuyển trong đô thị hay quyết định kế hoạch phong tỏa, cách ly theo khu vực hoặc cả đô thị được tiến hành một cách kịp thời, khoa học và chính xác.

Hiện nay, các đô thị như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số đô thị khác đang phải đối mặt với tình huống khẩn cấp trong phòng, chống Covid-19 đã có thể thiết lập các phân vùng vàng, xanh, đỏ để thuận lợi cho việc kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh dựa trên những số liệu đầu vào chuẩn xác. Công nghệ mô phỏng các kịch bản ứng phó dịch bệnh sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu các dữ liệu của người dùng và cả dữ liệu về đô thị như vị trí công trình trong không gian đô thị, số tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng cách các công trình xây dựng, tình trạng sử dụng các công trình…

Thực tế nhiều công trình đã nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ cho công tác giãn cách và điều trị Covid-19, như các công trình ký túc xá sinh viên, các công trình tái định cư chưa có người ở, các khu vực trường học chưa hoặc không sử dụng. Thông tin hệ thống các bệnh viện (gồm bệnh viện công, bệnh viện tư), trạm y tế cũng được xác định rõ trong không gian đô thị nhằm giúp cho công tác phân vùng phục vụ hiệu quả, an toàn hơn. Thông tin về không gian trống, chưa sử dụng trong đô thị và các khu vực tỉnh lân cận là cơ sở để lên kế hoạch lập bệnh viện dã chiến. Nhờ vào các thông tin chính xác này, chính quyền đô thị có thể quyết định giải pháp kịp thời trong công tác chỉ đạo, thực hiện phòng, chống dịch bệnh, nhanh chóng chuyển từ thế bị động sang chủ động.

Giải pháp công nghệ trong đô thị thông minh khi tích hợp vào các hạ tầng đô thị như giao thông, cấp điện, cấp nước, hạ tầng giáo dục, y tế đã giúp người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ và thông tin hữu ích ngay tại nhà, do đó, các hoạt động đô thị không bị ngừng trệ và duy trì ổn định.

Nhờ hạ tầng mạng viễn thông tiên tiến (wifi, 3G, 4G, 5G), đô thị thông minh đã giúp học sinh, sinh viên, người lao động đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục được học tập và làm việc, công tác khám, chữa bệnh được duy trì, không gián đoạn. Các công sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là hệ thống an sinh xã hội, các dịch vụ thiết yếu vẫn được bảo đảm.

Bắt đầu từ công tác quy hoạch

Trước hết và quan trọng nhất vẫn là công tác quy hoạch. Khi đã xác định rõ quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị, các dự án cũng từ đó hình thành. Việc phân loại dự án sẽ giúp tạo cân bằng trong phát triển đô thị, chủ động tạo ra những khu vực an toàn, tiện lợi, sẵn sàng cho những tình huống đột biến, chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19.

Phát triển đô thị, nhất là đô thị thông minh đã từng bước điều chỉnh cách tiếp cận để linh hoạt tương thích và tăng khả năng chống chịu với dịch bệnh thông qua những dữ liệu đầu vào mới, lồng ghép thông minh các giá trị của cách mạng công nghiệp 4.0 để thay đổi cấu trúc đô thị phù hợp xu thế phát triển.

Công tác quản lý đô thị dưới bối cảnh hiện nay cũng có sự đổi mới, tập trung vào các công cụ quản lý trực tuyến. Các chính quyền đô thị đã nhanh chóng triển khai chính phủ điện tử giúp cập nhật thông tin của các hoạt động kinh tế-xã hội cũng như truyền tải và định hướng thông tin đúng trong phòng, chống Covid-19 đến người dân, giúp ngăn chặn những tư tưởng hoảng loạn không cần thiết và dần ổn định trạng thái bình thường mới trong xã hội.

Ngoài ra, công tác quản lý đô thị cũng có sự chuyển hướng trong quản lý dân cư, không chỉ đơn thuần là quản lý dân cư mà còn chú trọng quản lý các hoạt động vận tải hậu cần. Bởi công tác hậu cần logistics đang là một mắt xích quan trọng giúp vận chuyển, bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân, đồng thời giúp vận chuyển an toàn, tránh lây lan dịch bệnh trong đô thị. Do vậy, đối tượng tham gia dịch vụ vận chuyển (shipper) cần được ưu tiên tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19 cũng như theo dõi, giám sát tốt hành trình và truyền tải thông tin cho người sử dụng giao dịch để bảo đảm kiểm soát an toàn dịch tễ.

Rõ ràng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng khó đối phó với nhiều biến thể mới, dễ lây lan, các đô thị thông minh cần tạo lập khả năng ứng phó kịp thời để có thể sớm phục hồi và thiết lập các trạng thái bình thường mới. Cung cấp và sử dụng các dịch vụ đô thị thông qua nền tảng kỹ thuật số thông minh đã trở thành một thói quen sinh hoạt mới của người dân và cả chính quyền đô thị hiện nay.

Đại dịch là cơ hội để nhìn nhận các hướng đi và phát triển đô thị trong tương lai cũng như khẳng định giải pháp đô thị thông minh là một lựa chọn phù hợp. Công tác thúc đẩy đô thị thông minh dựa trên các trụ cột như giải pháp quy hoạch bảo đảm mật độ dân cư, khoảng cách an toàn, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả về đầu tư; cung cấp tiện ích thông minh và quản lý thông minh… cần tiếp tục được triển khai để tạo sức đề kháng tốt nhất cho đô thị ở góc độ phòng ngừa và ứng phó hiệu quả nhất.

Nguồn: Nhân dân điện tử


07-10-2021

1172 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL