Đô thị bền vững và sống tốt .

Ngày 27/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững”. Hội thảo là chuỗi sự kiện trong “Tuần lễ Đan Mạch - Đô thị bền vững và đáng sống” xoay quanh chủ đề quy hoạch phát triển và thiết kế đô thị. Đây là năm thứ hai “Tuần lễ Đan Mạch – Đô thị bền vững và đáng sống” được tổ chức tại Việt Nam.


Trong cơn lốc đô thị hóa, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hạ tầng kỹ thuật đô thị, cấp thoát nước, xử lý chất thải, giao thông vận tải, không khí sạch đều bị đẩy đến giới hạn, trong nhiều trường hợp thậm chí còn vượt ngưỡng, đe dọa tới sức khỏe và chất lượng sống của người dân.

Cac chuyen gia tham du Họi thao.jpg

“Tuần lễ Đan Mạch – Đô thị bền vững và đáng sống” mang tới cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà quản lý đô thị của  Việt Nam với các nhà quy hoạch đô thị, giới KTS, khu vực tư nhân cũng như các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đến từ Đan Mạch. Tại đây, họ sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn và đưa ra các khuyến nghị hữu ích nhằm phục vụ công cuộc phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam.

Tham tan DSQ Dan Mach.jpg

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tham tán Đại sứ quán Đan Mạch BoMønsted, cho biết: “Theo một thống kê gần đây được công bố bởi Diễn đàn Hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G), đô thị chỉ chiếm 3% tổng diện tích toàn hành tinh nhưng lại tiêu thụ tới 60% mức năng lượng, sản sinh ra 70% lượng phát thải khí nhà kính và 70% tổng lượng chất thải. Việc gia tăng đô thị hóa được dự đoán sẽ kéo theo nhu cầu đối với các giải pháp bền vững mới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam”.
Theo ông Bo Mønsted: “Đan Mạch là đất nước dày dặn kinh nghiệm trong việc giải quyết các thách thức này và hiện được nhắc tới như quốc gia dẫn đầu thế giới trong mảng công nghệ xanh. Do đó, ông tin tưởng rằng Đan Mạch có khả năng hỗ trợ các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh tìm ra các giải pháp bền vững mới, cải thiện chất lượng sống cho người dân đô thị” .

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Tina Saaby- KTS trưởng Hội đồng TP Copenhagen, Đan Mạch cho rằng: “Cần phải nghĩ về cuộc sống đô thị trước khi thiết kế không gian cũng như các tòa nhà… Chính cuộc sống đô thị sẽ quyết định tính bền vững và đáng sống của thành phố. Sẽ không có thành phố nếu không có người dân sử dụng, sống, làm việc và di chuyển tại các khu vực này. Bởi vậy, yếu tố con người phải đặt lên ưu tiên hàng đầu”.
Chia sẻ các vấn đề của đô thị, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết: “Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá là quốc gia có tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Tuy nhiên, kèm đó là các thách thức mà phổ biến nhất hiện nay là phải đối phó với hệ lụy từ biến đổi khí hậu. Bởi vậy, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững là những yếu tố rất quan trọng và cần thiết. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành chiến lược riêng cho các nội dung này. Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung vào các vấn đề như Chiến lược phát triển đô thị; thiết kế và quản lý đô thị phù hợp với điều kiện thực tiễn; xây dựng thành phố vì con người; phát triển công trình công cộng và kiến trúc không gian xanh”.

Pho Cuc truong Tran thi Lan Anh.jpg

Đại diện Bộ Xây dựng, bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị khẳng định: “Thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục đổi mới khung thể chế, chính sách phát triển đô thị tại Việt Nam nhằm thực hiện phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, việc phát triển kinh tế được củng cố, tiến tới giảm tác động môi trường trong tương lai. Phó Cục trưởng, Trần Thị Lan Anh cho biết thêm: “Một trong những mục tiêu được đặt ra là phát triển đô thị sinh thái với các yếu tố bền vững, tiết kiệm năng lượng và vật liệu, thiết bị ít phát thải carbon. Đặc biệt, đổi mới mô hình quản lý phát triển đô thị để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo các cam kết quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính…”

Tâm Sơn


28-11-2018

257 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL