TT - Huế: Chuyển mình từ phát triển đô thị

(Xây dựng) - TT - Huế phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm xây dựng và phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

 

TT - Huế: Chuyển mình từ phát triển đô thị
Ảnh: Đặng Ngân

Phát triển quy hoạch, hạ tầng đô thị

Những năm qua, thực hiện chương trình phát triển đô thị TT - Huế, các đơn vị đã chỉnh trang, nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, tạo điểm nhấn cho đô thị Huế.

Ông Nguyễn Đại Viên - Giám đốc Sở Xây dựng TT - Huế cho biết: Theo Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị xây dựng và phát triển tỉnh TT - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở Xây dựng tập trung triển khai các đề án quy hoạch, nhằm đảm bảo các thủ tục trình hồ sơ đề án thành lập TT - Huế trực thuộc Trung ương, bao gồm: Quy hoạch chung đô thị TT - Huế; Đề án phân loại đô thị TT - Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương; Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập quận, phường và Báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị đã được công nhận loại đô thị trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ UBND huyện Phong Điền triển khai Đề án phân loại đô thị Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu đưa huyện Phong Điền sớm trở thành thị xã.

Về hệ thống giao thông phải nói đến Dự án nâng cấp nhà ga T2 - sân bay Quốc tế Phú Bài đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nhà ga T2 có công suất 5 triệu hành khách/năm, với lối kiến trúc độc đáo, phong cách hiện đại, phát huy nét đặc thù văn hóa Huế với ý tưởng mô phỏng hình ảnh núi Ngự, tạo ấn tượng đặc biệt cho hành khách mỗi khi đi đến Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Đê chắn sóng cảng Chân Mây, giai đoạn 2, có tổng mức đầu tư 757 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp 680 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, dự kiến hoàn thành quý I/2026. Dự án giai đoạn 2 sẽ tăng năng lực khai thác hàng hoá, năng lực cạnh tranh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển khu bến Chân Mây.

Dự án đường bộ ven biển qua tỉnh TT - Huế từ huyện Phong Điền về huyện Phú Lộc và đặc biệt cầu qua cửa Thuận An, có tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng. Giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, quy mô đầu tư hơn 7,7 km, từ cầu Tam Giang, xã Hải Dương (TP Huế) đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao QL49A đến QL 49B, thuộc thị trấn Thuận An (TP Huế). Trong đó, cầu qua cửa Thuận An dài 2,3 km, mặt cắt ngang tuyến 26 m; bề rộng cầu 20 m, dự kiến công trình hoàn thành năm 2024.

Hệ thống giao thông kết nối các trung tâm đô thị vùng đã và đang được triển khai. Đường Tân Mỹ - Thuận An dài gần 4,2 km, tổng mức đầu tư hơn 370 tỷ đồng vừa mới đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương có tổng mức đầu tư 2.281 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1, hơn 1.855 tỷ đồng, dự kiến thông xe cuối năm 2024.

Dự án đường Tố Hữu nối dài về sân bay Phú Bài; Đường Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa); Nâng cấp mở rộng đường Tỉnh lộ 16 (Tứ Hạ - Bình Điền); Đường trục chính Khu đô thị Chân Mây; Đường từ thị trấn Phong Điền - xã Điền Lộc (huyện Phong Điền)… Nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường huyện xã; Nâng cấp tuyến vận tải thủy chính sông Hương từ Thuận An đến ngã ba Tuần đạt tiêu chuẩn cấp III; Nâng cấp tuyến vận tải thủy chính tuyến phá Tam Giang đến đầm Cầu Hai đạt tiêu chuẩn cấp III; Nâng cấp mở rộng cầu Phú Thứ; Xây dựng mới cầu nối đường Tỉnh lộ 3 với xã Phú Hải;

Hạ tầng kỹ thuật nội thị được nâng cấp, mở rộng đô thị Huế; Đô thị Hương Thủy; đô thị Hương Trà, đô thị Phong Điền để đề nghị công nhận đô thị loại IV năm 2023, xây dựng Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025. Nâng cấp đô thị Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Vang…

Điểm nhấn đô thị Huế

Theo thống kê của UBND TP Huế, hiện TP Huế đang quản lý hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị gồm 446 tuyến đường đô thị/226 km, 420 km đường kiệt, 265.000 m2 vỉa hè, 420 km điện chiếu sáng, 25 công viên, 57 điểm xanh và hơn 64.000 cây xanh đường phố.

Năm qua, thành phố đã đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, tạo bộ mặt đô thị Huế ngày càng khang trang. TP Huế nỗ lực hoàn thành điều chỉnh quy hoạch cục bộ trên địa bàn như: Điều chỉnh (cục bộ) các vị trí thuộc đồ án quy hoạch khu trung tâm phía Nam thành phố; điều chỉnh (cục bộ) khu vực nhà thi đấu tỉnh thuộc quy hoạch chi tiết trục đường Bà Triệu; điều chỉnh (cục bộ) quy hoạch khu làng nghề Thủy Xuân và khu vực bãi bồi Lương Quán, khu vực Hổ Quyền - Voi Ré - phường Thủy Biều; điều chỉnh (cục bộ) quy hoạch khu đất tổng kho Tây Lộc, bến xe Nguyễn Hoàng…

Thành phố đã hoàn thành dự án chỉnh trang công viên Phú Xuân đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Dã Viên, điểm nhấn là quảng trường ở công viên Lý Tự Trọng với đài phun nước, khu vực trước UBND tỉnh, tạo nên điểm vui chơi giải trí sang trọng cho Huế.

Thành phố đang phối hợp với Sở KH&ĐT triển khai Dự án xây dựng hạ tầng đô thị loại II (Green city) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ; Dự án xây dựng TP Huế văn hóa và du lịch thông minh do KOICA tài trợ giai đoạn 2021 - 2023, với kinh phí 13 triệu USD. Dự án triển khai phát triển hạ tầng đô thị như công viên, đường, hệ thống thoát nước…

Triển khai dự án di dời dân Kinh thành Huế ra khu tái định cư Hương Sơ (TP Huế). Dự án xây dựng 10 khu tái định cư để di dời gần 5.000 hộ dân. Triển khai Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.

Ông Hoàng Thiện - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Huế cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TT - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đưa TT - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025; Thành phố đã đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội (TP Huế) với đầu tư gần 135 tỷ đồng; đường Bà Triệu, mở rộng đường Nguyễn Gia Thiều…

Trí Đức


Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/ - 03-01-2024

129 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL