Khác biệt đô thị Quảng Ninh

(Xây dựng) - Năm nay, Quảng Ninh kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh (30/10/1963 - 30/10/2023). Trên một phần hai thế kỷ xây dựng và phát triển, đặc biệt thời kỳ đổi mới, địa phương đạt được nhiều thành tựu trong kiến thiết đô thị và có những nét khác biệt về phát triển đô thị rất đáng tự hào, hòa trong niềm vui kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam.

 

 

Khác biệt đô thị Quảng Ninh
TP Uông Bí chuyển hướng sang du lịch tâm linh, trung tâm đào tạo nguồn lực.

Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị hiện đại, xanh, văn minh, giàu bản sắc, phát triển gắn với bảo tồn giá trị văn hóa và phát huy các giá trị di sản.

Quảng Ninh phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị hiện đại, xanh, văn minh, giàu bản sắc, phát triển gắn với bảo tồn giá trị văn hóa và phát huy các giá trị di sản. Với mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”; địa phương phấn đấu là động lực phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng, miền Bắc, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, phát huy vai trò hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng, miền Bắc, với dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.

Quảng Ninh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2030, với các chỉ tiêu chính. Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị; đến năm 2030, có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị; địa phương hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn).

Khác biệt đô thị Quảng Ninh
Núi Bài Thơ - biểu tượng của TP Hạ Long, đêm đến long lanh trong ánh điện.

Về hệ thống đô thị, giai đoạn đến 2025 tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 13 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa tỉnh đạt 70 - 75%, trong đó: 1 đô thị loại I là TP Hạ Long, trung tâm tỉnh; 3 đô thị loại II gồm các thành phố: Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí; 3 đô thị loại III gồm: thị xã Quảng Yên, Đông Triều và đô thị Vân Đồn; 2 đô thị loại IV gồm: thị trấn Tiên Yên mở rộng, thị trấn Quảng Hà mở rộng; đô thị loại V là thị trấn huyện lỵ gồm: thị trấn Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà và Cô Tô.

Giai đoạn 2026 - 2030, toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 12 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh đạt trên 75% trong đó: 4 đô thị loại I gồm các thành phố: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái; (Hải Hà, Móng Cái phát triển lên đô thị loại I, trở thành một đơn vị hành chính thống nhất phù hợp với xu thế phát triển khách quan của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái). 3 đô thị loại II gồm các thành phố: Quảng Yên, Đông Triều và Vân Đồn (đầu tư xây dựng, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại I, lập đề án nâng cấp đô thị khi đủ điều kiện hoặc thực hiện đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ phát triển hạ tầng kiến trúc cảnh quan đô thị và công nhận đô thị loại I đồng thời với quá trình lập Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương). 1 đô thị loại III là thị xã Tiên Yên; 3 đô thị loại IV là thị trấn Cô Tô, thị trấn Đầm Hà, thị trấn Bình Liêu - Hoành Mô, Đồng Văn; 1 đô thị loại V là thị trấn Ba Chẽ.

Chất lượng đô thị được xây dựng trên cơ sở đạt và đạt cao các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 về sửa đổi một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và các chương trình, kế hoạch của tỉnh.

Lộ trình và kế hoạch nâng loại hệ thống đô thị của Quảng Ninh, giai đoạn đến năm 2025 toàn tỉnh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Trong đó, TP Hạ Long xây dựng hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị loại I và tổ chức lập đề án phân loại lại đô thị loại I; TP Uông Bí hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị loại II và tổ chức lập đề án phân loại lại đô thị loại II; TP Cẩm Phả và Móng Cái hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị loại II, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đạt đô thị loại I.

Thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại III (triển khai xây dựng Đề án thành lập TP Đông Triều hoàn thành trước tháng 10/2023, thành lập TP Quảng Yên). Thị trấn Cái Rồng đầu tư xây dựng hạ tầng, mở rộng thị trấn hiện hữu, hoàn thiện các tiêu chí phân loại đô thị, lập đề án đề nghị công nhận đô thị Vân Đồn đạt loại III. Thị trấn Tiên Yên, thị trấn Quảng Hà xây dựng mở rộng khu vực thị trấn hiện có, hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại IV. Thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu tiếp tục đầu tư, nâng cấp chất lượng hạ tầng, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại V, tổ chức phân loại lại đô thị loại V. Các đô thị còn lại tiếp tục đầu tư xây dựng, khắc phục các tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đạt, tiêu chuẩn đạt thấp, nâng cao các tiêu chuẩn đạt, từng bước hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn nâng cấp đô thị theo kế hoạch.

Khác biệt đô thị Quảng Ninh
Đường cao tốc Móng Cái - Hải Phòng kết nối với cửa khẩu Quốc tế Bắc Luân II.

Giai đoạn 2026 - 2030, toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị. Trong đó, TP Hạ Long tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị loại I; TP Móng Cái và Hải Hà phát triển lên đô thị loại I trở thành một đơn vị hành chính thống nhất phù hợp với xu thế phát triển khách quan của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; lập Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và đề nghị công nhận đô thị loại I cho TP Móng Cái mở rộng; Các thành phố Cẩm Phả, Uông Bí đầu tư, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn kinh tế xã hội, hạ tầng đô thị; lập đề án công nhận đô thị loại I.

TP Quảng Yên - Đông Triều đầu tư xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn, lập đề án công nhận đô thị loại II; phấn đấu hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn đô thị loại I. Đô thị Vân Đồn, lập đề án thành lập TP Vân Đồn; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chuẩn tiêu chí phân loại đô thị, lập đề án công nhận đô thị loại II; phấn đấu hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn đô thị loại I.

Thị xã Tiên Yên khắc phục các tiêu chí, tiêu chuẩn; lập đề án thành lập thị xã Tiên Yên trước năm 2027; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn và lập đề án và đề nghị công nhận thị xã Tiên Yên là đô thị loại III. Thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà; thị trấn Bình Liêu - Hoành Mô, Đồng Văn, huyện Bình Liêu; thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô… tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn; lập đề án và đề nghị công nhận đô thị loại IV. Thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ (đô thị loại V) tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Các đô thị tiếp tục đầu tư xây dựng, khắc phục các tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đạt, tiêu chuẩn đạt thấp, nâng cao các tiêu chuẩn đạt. Từng bước hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn nâng cấp đô thị theo kế hoạch và đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế. Quảng Ninh hiển hiện phát sáng triển vọng hệ thống đô thị bền vững, động lực kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng, miền Bắc, trục tam giác kinh tế năng động Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Vũ Phong Cầm


Nguồn:https://baoxaydung.com.vn/ - 30-04-2023

295 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL