Đô thị hoá ở Việt Nam: Hoàn thiện định hướng chính sách
(Xây dựng) - Cùng với các Chiến lược, Định hướng, Chương trình thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, nhằm định hướng, chỉ đạo thực hiện quá trình đô thị hóa thành công.
Thực trạng đô thị hóa
Việt Nam có 36,7 triệu dân đô thị (năm 2020), trong đó mật độ dân số đô thị tập trung cao ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Giai đoạn 2010 - 2020, dân số cả nước trung bình tăng 92.769 người/năm, trong đó dân số thành thị tăng 31.168 người/năm. Trong giai đoạn 1999 - 2009, dịch cư nông thôn - thành thị tăng mạnh từ 27,1% lên 31,4%. Đến giai đoạn 2009 - 2019, tỷ trọng dịch cư giảm xuống còn 27,5%.
Giai đoạn 2010 - 2020 đất đô thị tăng bình quân 38,5 nghìn ha/năm. Năm 2020 cả nước có 2.028,07 nghìn ha đất đô thị, chiếm 6,12% tổng diện tích đất tự nhiên. Giai đoạn 2011 - 2020 đất đô thị tăng 385,65 nghìn ha. Diện tích đất xây dựng đô thị cả nước tăng gấp 1,25 lần so với năm 2010; bình quân đầu người 200 m²/người (2020), cao hơn 1,07 lần so với năm 2010.
Giai đoạn 2010 - 2020, có nhiều đô thị đã quản lý không gian trên cơ sở các đồ án quy hoạch được duyệt, thực hiện theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị (nay là quy chế quản lý kiến trúc đô thị).
Các đô thị cổ của Việt Nam được hình thành sớm. Thời kỳ phong kiến, quá trình đô thị hóa diễn ra chậm, dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Thời Pháp thuộc, hệ thống đô thị được hình thành các cụm với chức năng hành chính, kinh tế, quân sự như: Hà Nội - Hải Phòng, Huế - Đà Nẵng, Sài Gòn - Chợ Lớn.
Thời kỳ 1975 - 2009, đô thị phát triển mạnh với nhiều loại hình như đô thị công nghiệp, đô thị cảng, đô thị du lịch, đô thị hành chính, đô thị tổng hợp.
Giai đoạn 2010 - 2020, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh. Tính đến tháng 12/2020, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 40,4%, với 862 đô thị các loại. Khu vực đô thị đóng góp hơn 2/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Quy mô nền kinh tế tính bằng GDP năm 2019 so với năm 1986 đã tăng gần 10 lần; GDP bình quân đầu người, tính theo sức mua tương đương năm 2019, là hơn 8.000 USD, so với 910 USD vào năm 1990. Từ một nước thu nhập thấp, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.
Sau Covid - 19 làm lộ ra yếu kém trong mối quan hệ giữa đô thị và công nghiệp hóa, đó là vấn đề nhà ở cho người công nhân KCN, khu vực dân cư giáp ranh các đô thị… Phát triển KCN và phát triển đô thị còn tương đối độc lập với nhau. Sự tích hợp giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch KCN chưa có sự kết hợp chặt chẽ. Cần làm rõ mối quan hệ giữa đô thị và công nghiệp hóa ngay từ bước lập quy hoạch. Chưa có định hướng đô thị hóa các KCN để hình thành thị tứ công nghiệp, đô thị công nghiệp ngay từ khi lập quy hoạch KCN.
Định hướng chính sách về dịch cư và dân cư
Cần quản lý sự gia tăng dân số theo dự báo của quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia, quy hoạch đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn và các điểm định cư con người ở các khu chức năng khác.
Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho đối tượng dịch cư đô thị, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội, theo hướng ghi nhận, quan tâm, đảm bảo sự bình đẳng cho đối tượng dịch cư, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà ở... Chính sách khuyến khích xây dựng các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Chính quyền các cấp và xã hội cần thay đổi nhận thức về dịch cư đô thị, thống nhất quản lý vấn đề dịch cư đô thị. Tuyên truyền pháp luật, giới thiệu việc làm để người lao động dịch cư tiếp cận thông tin và việc làm trong khu vực lao động chính thức, lao động có hợp đồng, chế độ đi kèm. Xây dựng chương trình, kế hoạch định cư và thể chế từng giai đoạn, gắn về kế hoạch kinh tế - xã hội, đô thị hóa của quốc gia và từng địa phương.
Giảm bớt thiên lệch đối với chính sách phát triển đô thị và nông thôn; giảm thiểu mất cân bằng về các cơ hội kinh tế giữa nông thôn và thành thị. Cấu trúc lại nền giáo dục quốc gia, cân đối giữa đào tạo lao động trình độ cao với đào tạo nghề….
Cần có chính sách định hướng rõ hơn, nhằm hình thành các điểm dân cư công nghiệp, thị tứ công nghiệp, đô thị công nghiệp có vai trò quản lý của chính quyền một cách toàn diện.
Sự mất cân đối trong “Tháp phân loại đô thị” ở đô thị loại IV và V (90/668 đô thị) cho thấy, cần điều chỉnh chính sách về dân số và mật độ dân cư ở các đô thị nhỏ, góp phần hạn chế dịch cư từ nông thôn và đô thị nhỏ ra đô thị lớn.
Định hướng chính sách tổ chức không gian đô thị
Quản lý không gian đô thị và sử dụng đất đô thị theo các quy hoạch đô thị định kỳ 5 năm và hàng năm, phù hợp với định hướng phát triển không gian và quy hoạch sử dụng đất đô thị được phê duyệt. Cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho người dân ở khu vực ven đô thị, khi thu hồi đất nông nghiệp.
Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị phù hợp với niên độ của quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị.
Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế - công bằng xã hội - bảo vệ môi trường. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã “Phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050”. Đến nay cần nghiên cứu điều chỉnh theo tinh thần của Luật Quy hoạch.
Cần dành thêm khoảng trống tổ chức các khu vui chơi, không gian công cộng; quan tâm về cải tạo không gian công cộng ở đô thị. Cần có chính sách mới về không gian ngầm đô thị và không gian cao tầng trong Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai và Luật về đô thị.
Định hướng chính sách về đô thị, nông thôn và công nghiệp hóa
Cần có chính sách đào tạo nâng cao năng lực của các nhà quy hoạch, tổ chức tư vấn... để nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Khu vực giáp ranh giữa đô thị và nông thôn phải được quy hoạch định hướng theo các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí quy hoạch của khu vực đô thị.
Luật Đất đai sửa đổi và Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng cần được sửa đổi theo hướng quy hoạch sử dụng đất của đô thị và nông thôn là cơ sở quản lý sử dụng đất. Đó là cơ sở để lập kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai sửa đổi. Cần hoàn thiện chính sách phát triển đô thị và nông thôn một cách hài hòa, tránh tình trạng di cư ồ ạt từ nông thôn lên thành thị.
Việc định hướng, đánh giá quy mô dân số đô thị và nông thôn trong đồ án quy hoạch rất quan trọng, từ đó định hướng cho sự phát triển của đô thị trong tương lai. Không lập quy hoạch nông thôn ở những khu vực giáp ranh đô thị mà đã được phê duyệt quy hoạch đô thị mở rộng.
Bổ sung loại “đất đô thị” và “đất xây dựng đô thị” trong Luật Đất đai sửa đổi và Luật Quy hoạch đô thị. Bổ sung nội dung “bản đồ địa hình” trong Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.
Định hướng chính sách về mối quan hệ giữa đô thị và công nghiệp hóa
Xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch ở phạm vi cả nước, vùng và địa phương về phát triển công nghiệp, KCN và phát triển đô thị đóng vai trò to lớn trong thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Việt Nam. Quan hệ giữa quy hoạch KCN, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh là quan hệ giữa các hợp phần quy hoạch khu chức năng cần gắn bó mật thiết với nhau.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quy hoạch. Trong đó, phương án quy hoạch đô thị cần có nội dung quy hoạch bố trí KCN, CCN, khu công nghệ cao (nếu có); bố trí quy hoạch các khu nhà ở đô thị, khu dịch vụ đô thị cho KCN, theo hướng quy hoạch điểm dân cư công nghiệp, quy hoạch đô thị công nghiệp.
Phối kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa các chuyên gia quy hoạch về phát triển công nghiệp, đô thị và trong những lĩnh vực quan trọng liên quan khác trong xây dựng phương án quy hoạch KCN và quy hoạch đô thị.
Rà soát công tác thống kê dân số tại các điểm dân cư công nghiệp trên địa bàn nông thôn hiện nay. Cần đổi mới quy trình lập quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị công nghiệp ngay từ đầu và được bổ sung trong Luật Quy hoạch đô thị...
Cần hoàn thiện Bộ luật về đô thị
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần hoàn thiện Bộ luật về đô thị (gồm quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển), nên gọi là Luật Đô thị. Luật Đô thị cần được soạn thảo, quản lý thống nhất, tránh chồng chéo hoặc phân tán rải rác trong các quy định ở nhiều loại văn bản khác nhau như hiện nay. Đặc biệt là cơ quan soạn thảo cần có tư duy của cơ quan lập pháp của Quốc hội và hoàn thành trước năm 2045 nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Luật Đô thị cần được soạn thảo trong giai đoạn 2023 - 2025. Các nội dung trong Luật này có thể dẫn chiếu các nội dung mà đã được ban hành trong các luật khác. Trong giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2045, nội dung đủ điều kiện có thể xây dựng thành Luật chuyên ngành và được dẫn chiếu trong Luật Đô thị.
PGS. TS Lưu Đức Hải (*)
(*)Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam
https://baoxaydung.com.vn/do-thi-hoa-o-viet-nam-hoan-thien-dinh-huong-chinh-sach-343943.html
17-11-2022