Đà Nẵng: Tạo mảng xanh trong sắc màu đô thị

Đô thị Đà Nẵng đang có những chuyển biến tích cực về đầu tư phát triển công viên, cây xanh. Màu sắc đô thị có những mảng xanh sau giai đoạn cả thành phố là công trường và sự tàn phá của thiên nhiên qua những cơn bão lớn. Việc đặt tên cho công viên lớn nhất thành phố với sự kiện lịch sử Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3 là sự quan tâm cho môi trường cảnh quan đô thị. Từ đây, lĩnh vực công viên - cây xanh luôn được chú trọng đầu tư phát triển.


Đầu tư công viên, cây xanh qua thu hút đầu tư ở dự án Công viên Châu Á - Asia Park. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Cùng với những điểm nhấn từ các công trình kiến trúc, Đà Nẵng hôm nay đã hình thành các tuyến đường cảnh quan ven sông, ven biển đầy ấn tượng. Hệ thống các tuyến đường ven bờ sông Hàn với phía bờ tây từ đường Như Nguyệt - Bạch Đằng - Thăng Long; phía bờ đông có Trần Hưng Đạo - Chương Dương. Ven biển có mảng cây xanh ven đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Công viên Biển Đông. Các tuyến đường phố mới được đầu tư phát triển cây xanh tạo được bóng mát và cảnh quan như đường 30 Tháng 4, Hoàng Văn Thái… Việc phát triển công viên, tiểu cảnh đã tạo nên những mảng màu xanh cho đô thị Đà Nẵng.


Ba vấn đề đặt ra cho đầu tư phát triển công viên - cây xanh của đô thị Đà Nẵng được giải quyết, đó là chọn cây xanh, chỉnh trang cây xanh đường phố và đầu tư phát triển công viên, vườn dạo. Theo đó, thành phố đã rà soát và điều chỉnh hợp lý về danh mục cây xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Đầu tư phát triển cây xanh phù hợp với hạ tầng để thích ứng với bề rộng vỉa hè cũng như hạ tầng kỹ thuật ngầm. Chọn cây xanh để đầu tư phát triển luôn lấy yếu tố về đặc điểm cây xanh có khả năng chống chịu với tác động của mưa bão. Điều này thể hiện qua các loài cây xanh như dừa, bàng biển, phi lao, tra, mù u… thích nghi và phát triển tốt ở khu vực ven biển, ven sông. Đối với các tuyến đường đầu tư mới được thiết kế trồng không quá 3 loài cây; những tuyến đường trọng điểm như Nguyễn Văn Linh - Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hồ Xuân Hương, Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa… được trồng đồng bộ một loại cây, góp phần hình thành hệ thống cây xanh bảo đảm mỹ quan cho đô thị. Trên các dải phân cách, đảo giao thông được thiết kế trồng cây bụi có hoa và thảm cỏ.

Trong đầu tư phát triển công viên, vườn dạo với Công viên 29-3 được đầu tư cải tạo và nâng cấp; đầu tư mới công viên khu vực đường Hùng Vương - Yên Bái - Nguyễn Chí Thanh; đầu tư cải tạo và nâng cấp Công viên Thanh Niên... Điểm nhấn trong đầu tư phát triển công viên được triển khai thông qua xã hội hóa như Công viên Châu Á (Asia Park). Asia Park vừa bổ sung đầu tư với chiến dịch trồng hơn 5.000 cây xanh gồm: 100 cây cổ thụ, 897 cây sưa, bàng Đài Loan... Asia Park tạo ra một hệ sinh thái cây xanh bổ sung cần thiết cho cảnh quan không gian đô thị Đà Nẵng. Nơi đây có có những hàng cây bàng Đài Loan thẳng đều tăm tắp dọc lối đi, những chùm osaka (Sri Lanka) nhuộm vàng từng khu vườn nhỏ hay những gốc chuối rẻ quạt xòe tán rộng như những đuôi công khổng lồ hướng về phía mặt trời.

Không gian xanh ở khu vực dân cư cũng được đầu tư 12 khu vườn dạo có tổng diện tích 2,4ha. Qua đây bổ sung mảng xanh, cải thiện môi trường cảnh quan khu dân cư. Việc chỉnh trang cây xanh đường phố còn được thường xuyên trồng thay thế cây còi cọc kém phát triển và dần thay thế đồng bộ bằng cây giáng hương, muồng tím. Qua cải tạo và trồng thay thế cây xanh trên các trục đường phố đã phát huy hiệu quả như tuyến đường Lê Duẩn hiện tạo được cảnh quan đẹp, thông thoáng.

Đầu tư cây xanh đô thị Đà Nẵng theo hướng tăng cường phát triển và quản lý công viên, vườn hoa, vườn dạo, khu vui chơi giải trí công cộng; nâng cấp, cải tạo hệ thống vườn ươm và khai thác có hiều quả, phù hợp với nhu càu thực tế trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý cây xanh theo hướng dịch vụ công ích phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển cây xanh, đặc biệt đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý cây xanh đô thị, sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý cây xanh.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Lê Tùng Lâm cho biết, với tầm nhìn đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020, Sở Xây dựng đang lập kế hoạch 5 năm về quản lý phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch chung của thành phố. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị; tuyên truyền nhân dân tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh để xây dựng thành phố Đà Nẵng có môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Những kế hoạch chi tiết cũng được triển khai thực hiện với việc hình thành các điểm nhấn về phát triển công viên, cây xanh thông qua các dự án Khu công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, công viên Bách Thảo, công viên vườn thú Vinpearl Safari, công viên đảo nổi Đồng Nò. Cùng với sự phát triển cây xanh là khai thác mặt nước từ các ao hồ để đầu tư bổ sung cây xanh, vườn hoa, vườn dạo.

Phát triển cây xanh, công viên cho đô thị Đà Nẵng cũng gắn kết với sự thu hút đầu tư, phát triển các dự án khu đô thị, khu du lịch và khu công nghiệp sinh thái. Trong đó, các dư án khu đô thị sinh thái làm nên những điểm nhấn không gian xanh, cảnh quan xanh cho đô thị Đà Nẵng.

“Qua 5 năm thực hiện đề án “Phát triển cây xanh đô thị”, tại Đà Nẵng, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người được nâng lên từ 5m2/người lên 7,3m2/ người. Từ năm 2012 đến nay, Sở Xây dựng đã bàn giao đưa vào khai thác hơn 50.930 cây xanh (tăng thêm 80,2% so với cuối năm 2011) và 207.174 m2 thảm cỏ, hoa (tăng thêm 36,9% so với cuối năm 2011) từ 130 hạng mục cây xanh của các dự án đầu tư xây dựng. Độ phủ xanh bình quân của cây xanh bóng mát các loại là 16m2/cây. Những cố gắng trong phát triển cây xanh đô thị và cải thiện môi trường của thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng như: Thành phố bền vững về môi trường ASEAN (năm 2011), Thành phố phát thải carbon thấp (năm 2012), một trong 20 thành phố xanh - sạch - đẹp (năm 2013) và thành phố Đà Nẵng cũng là thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu”(năm 2014).(Nguồn: Sở Xây dựng)


Theo báo Đà Nẵng


30-03-2017

321 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL