Diễn đàn Đô thị Việt Nam: Cầu nối giữa Chính phủ với các nhà tài trợ, đầu tư quốc tế, cơ quan chuyên ngành
( 08/11/2013 )
Năm 2013, Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF) kỷ niệm một chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển (2003 - 2013).
Trong 10
năm qua, VUF đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng trong
nước và quốc tế, cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ đã được các thành viên
thống nhất triển khai thực hiện; đóng góp có hiệu quả cho công cuộc xây dựng và
phát triển đất nước.

Ông Đỗ Viết Chiến - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Cơ quan thường trực của Diễn đàn Đô thị Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Diễn đàn.
Xuất phát từ nhiệm vụ ưu tiên phát triển
đô thị
Ngược dòng thời gian, sau quá trình thực
hiện Chiến lược kinh tế xã hội 1991 - 2000, tình hình kinh tế - xã hội của đất
nước đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống đô thị Việt Nam đã không ngừng
phát triển, mở rộng về quy mô. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh và
khá đa dạng về tính chất ở mỗi vùng miền. Nhận thức đầy đủ những tiềm năng, cơ
hội của quá trình đô thị hóa cũng như những yêu cầu và thách thức đặt ra của
tình hình phát triển, tại Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ vào tháng 12/2000, vấn
đề quản lý phát triển đô thị được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên
của Việt Nam bước sang thế kỷ XXI. Các nhà tài trợ đã đưa ra khuyến nghị Chính
phủ Việt Nam cần xem xét việc thành lập một diễn đàn gọi là “Diễn đàn Đô thị Việt
Nam - VUF” nhằm phối hợp hành động các bên liên quan quan tâm lĩnh vực đô thị
bao gồm các cơ quan của Chính phủ và cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức
trong nước và quốc tế.
Đề xuất này đã được Chính phủ ủng hộ và
giao Bộ Xây dựng phối hợp với các nhà tài trợ quốc tế tổ chức thành lập VUF.
Ngày 22/10/2003, Biên bản ghi nhớ về VUF đã được các đối tác ký kết thống nhất.
Mục tiêu của VUF đã được xác định là: “Thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và kiến
thức giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các
tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức và cá nhân
thuộc các thành phần kinh tế, các nhà tài trợ nhằm đống góp tích cực vào việc
xây dựng và thực hiện các chính sách về quản lý và phát triển đô thị, thực hiện
Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo - CPRGS và nâng cao
hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam”. Biên bản ghi nhớ
cũng đã xác định cụ thể các nguyên tắc hoạt động, phạm vi công việc, nguyên tắc
tổ chức, khuôn khổ tài chính của VUF. Với Biên bản ghi nhớ 2003, VUF đã chính
thức được hình thành đi vào hoạt động và liên tục phát triển.
Xây dựng nền móng
Ngày 25/11/2003, Bộ trưởng Bộ Xây dựng
đã ra quyết định thành lập Ban điều phối VUF để trực tiếp chỉ đạo thực hiện các
nội dung đã cam kết tại Biên bản ghi nhớ 2003. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn
Tấn Vạn được cử là Trưởng Ban điều phối. Các tổ chức thành viên tham gia VUF bao
gồm các Bộ: Xây dựng, KH&ĐT, Tài chính, Nội vụ, TN&MT, Chương trình
phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển
châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy sĩ (SDC), Phái đoàn Ủy ban
Châu Âu tại Việt Nam (EC), Đại sứ quán Pháp, Đại diện các tổ chức phi chính phủ
(Tổ chức cứu trợ nhi đồng Anh), Cơ quan hợp tác phát triển Bỉ, Hiệp hội các đô
thị Việt Nam và TP Hà Nội.
Trong giai đoạn 2003 - 2005, các hoạt
động của VUF ưu tiên tập trung định hướng theo 4 mục tiêu gồm đối thoại chính
sách; chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn; kiến nghị khuôn khổ chính sách;
xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin.
Để đạt được những mục tiêu này, VUF đã
nỗ lực tổ chức khoảng trên 20 các hoạt động khác nhau tập trung vào 4 chủ đề
chính được ưu tiên là quy hoạch và phát triển đô thị; phát triển hạ tầng kỹ
thuật và môi trường đô thị; phát triển đất đai và nhà ở đô thị; cải cách hành
chính đô thị.
Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu
được chú trọng nhằm cung cấp những thông tin, dữ liệu nền tảng cho phát triển
đô thị ở Việt Nam cũng như cho sự phát triển của VUF. Trong đó có 3 nghiên cứu
quan trọng đã được thực hiện, bao gồm: “Nghiên cứu về di cư, đô thị hoá và
chuyển hoá tại các vùng nông thôn của Việt Nam” do ông Jean-Marie Cour thực
hiện tháng 11/2003; Nghiên cứu về “Chính sách đô thị hoá” do ông Jipgar Joshi
thực hiện năm 2003; Nghiên cứu về “Hỗ trợ kỹ thuật cho quy hoạch vùng tại Việt
Nam” do ông Lawrie Wilson thực hiện năm 2005.
Các thành viên VUF cũng đã phối hợp tổ
chức một số hội thảo quan trọng. Điểm nhấn là hội thảo quốc tế về Chiến lược
Phát triển Thành phố do Liên minh các Thành phố (CA) tài trợ, được tổ chức tại
Hà Nội tháng 11/2004, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và trên
100 đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế. Sau đó, một loạt các Chiến lược
Phát triển Thành phố đã được các nhà tài trợ khởi động cho Nam Định, Đồng Hới
(do SDC tài trợ), Hạ Long, Cần Thơ (do WB tài trợ).
Tháng 01/2006, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Trần Ngọc Chính được giao nhiệm vụ là Trưởng Ban điều phối. VUF đã bổ sung thêm
một số thành viên là tổ chức như UN Habitat, Cơ quan phát triển Pháp, Cơ quan
Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại sứ quán các nước: Bỉ, Đức, Đan Mạch, Hàn
Quốc, Cty tư vấn SGS, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP), TP
Đà Nẵng… VUF đã hình thành 2 nhóm công tác hỗ trợ xây dựng chính sách. Nhóm thứ
nhất tập trung vào nội dung điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển
đô thị Việt Nam tới năm 2020 với sự hỗ trợ chuyên gia từ WB, UN Habitat và SDC.
Nhóm thứ hai tập trung soạn thảo nghị định nước thải và công trình ngầm đô thị
với sự hỗ trợ của WB, Đức, JBIG. Chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho
các thành viên cũng đã được tổ chức trong giai đoạn này.
Phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều
sâu
Trong thời kỳ từ 2009 đến 2011, VUF có
tổng số 25 thành viên tham gia và có sự thay đổi về nhân sự chủ chốt. Thứ
trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (nay là Bộ trưởng) là Trưởng ban điều phối. VUF
tiếp tục duy trì các hoạt động theo định hướng của 4 mục tiêu ban đầu đã đề ra gồm
đối thoại chính sách; chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn; kiến nghị khuôn
khổ chính sách; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin.
Hoạt động của VUF mang tính linh hoạt và
không áp đặt trong lịch trình hoạt động để có thể kịp thời đáp ứng được các vấn
đề thời sự trong quản lý và phát triển đô thị Việt Nam và nhu cầu đa dạng của
các thành viên. Nội dung chuyên môn tập trung nhiều hơn vào các hoạt động hỗ
trợ xây dựng chính sách, giúp ngành Xây dựng soạn thảo các văn bản quy phạm
pháp luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực quan trọng nhằm thu hút sự quan tâm
của các nhà tài trợ trong các lĩnh vực cấp nước, thoát nước, vệ sinh, phát
triển đô thị…
Nhận thức rõ những nguy cơ của tác động
biến đối khí hậu (BĐKH) cũng như vai trò của cộng đồng trong quản lý và phát
triển đô thị, các thành viên đã thống nhất trong giai đoạn tiếp theo cần phải
hướng tới các vấn đề quan trọng như cần phải đánh giá lại tình trạng đô thị hóa
tại Việt Nam, tổ chức các chương trình nghiên cứu và nhà ở; trao đổi kinh
nghiệm về các vấn đề về BĐKH, các tác động, ứng phó và thích ứng với BĐKH trong
quản lý và phát triển đô thị; Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và phát
triển đô thị; Phát triển đô thị tại các thành phố trong hành lang kinh tế Vùng
Mêkông; Hợp tác công tư - PPP trong phát triển đô thị.
Cũng trong giai đoạn này, Diễn đàn đã
xây dựng báo cáo “Xây dựng kế hoạch công tác ngắn hạn và dài hạn cho VUF với
các chiến lược và khả năng tài chính”. Kết quả của hoạt động này là một bản kế
hoạch hành động ngắn hạn với việc hình thành một dự án, trong đó có hợp phần
“Nâng cao năng lực cho Diễn đàn đô thị Việt Nam” do Liên minh các thành phố
(CA) tài trợ ủy thác qua WB được ký kết vào tháng 12/2011, thực hiện trong 2
năm, đến hết năm 2013.
Cầu nối không thể thiếu
Từ năm 2011 đến nay, Ban điều phối Diễn
đàn tiếp tục được kiện toàn. Tháng 02/2013, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành
Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban điều phối VUF, xác định các nhiệm vụ,
quyền hạn của Ban điều phối, Ban thư ký và tiếp tục khẳng định sự cam kết của
Bộ Xây dựng đối với VUF. Cũng tại quyết định này, Cục Phát triển đô thị Bộ Xây
dựng được giao chịu trách nhiệm là cơ quan thường trực VUF.
Đến hết tháng 10/2013, VUF đã có 97
thành viên tham gia thuộc 7 nhóm gồm: Nhóm tổ chức Quốc tế tài trợ đa phương;
Nhóm tổ chức Quốc tế tài trợ song phương; Nhóm tổ chức phi chính phủ quốc tế và
Việt Nam; Nhóm các cơ quan Chính phủ, Bộ Ngành, Hiệp hội, tổ chức; Nhóm các đô
thị; Nhóm khối tư nhân (các doanh nghiệp trong và ngoài nước). VUF đã tổ chức nhiều
hoạt động chia sẻ kiến thức kinh nghiệm liên quan đến chủ để tăng trưởng xanh,
BĐKH và ứng phó với các vấn đề BĐKH, nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham gia
hàng trăm lượt đại biểu…
Nhìn lại chặng đường 10 năm nỗ lực phấn
đấu, VUF đã đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng và tự hào. Với việc hợp
tác và phối kết hợp với các nhà tài trợ đa phương và song phương, các tổ chức
quốc tế, các tổ chức thành viên, VUF là một cầu nối không thể thiếu được giữa
Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, các nhà đầu tư quốc tế, các cơ quan
chuyên ngành, các hội, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ cũng như
các doanh nghiệp tư nhân trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, đối thoại
các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển đô thị, góp phần thực hiện thắng
lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong sự nghiệp quản
lý và phát triển đô thị tại Việt Nam. Trong thời gian tới, VUF sẽ tiếp tục củng
cố tổ chức, thể chế, hình thành các nhóm thành viên chủ chốt theo từng chuyên
đề, mở rộng sự tham gia của các thành viên và phát triển nguồn tài chính bền
vững, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới.
Trong những năm qua, VUF cũng đã kết nối
thành công và tích cực tham gia các hoạt động của Diễn đàn Đô thị Thế giới. Đơn
cử, tháng 9/2012, Đoàn đại biểu VUF đã tham dự Hội nghị lần thứ 6 Diễn đàn Đô thị
Thế giới tổ chức tại Napoli, Italia. Trước đó, tháng 11/2008, thành viên VUF
cũng đã tham dự Hội nghị lần thứ 4 của Diễn đàn Đô thị Thế giới tổ chức tại Nam
Kinh, Trung Quốc.
Ths. KTS Đỗ Viết Chiến
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng
Cơ quan thường trực của Diễn đàn đô thị Việt Nam